Cử tri kiến nghị có tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng về các tòa nhà cho thuê
Chiều 29/9, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các đại biểu Quốc hội (Đơn vị bầu cử số 3) đã tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu quận Nam Từ Liêm và trực tuyến tới các điểm cầu UBND quận Cầu Giấy, Thanh Xuân.
Tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải; lãnh đạo các sở, ngành và 3 quận.
Kỳ họp thứ 6 xem xét, thông qua 9 dự án Luật
Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội đã thông tin tới cử tri nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và kết quả trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/10/2023. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; Đợt 2 từ ngày 20/11 đến ngày 29/11/2023.
Kỳ họp sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Đồng thời, Kỳ họp sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao; Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu...
Đồng thời, Kỳ họp cũng cho ý kiến về 8 dự án Luật như Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản...
Phát biểu tại hội nghị, các cử tri đánh giá cao những hoạt động, những quyết sách kịp thời của Đảng, Nhà nước và Quốc hội trước những sự kiện, vấn đề bức xúc xảy ra trong thời gian gần đây. Cùng đó, cử tri bày tỏ quan tâm vào một số vấn đề như: Cần có chế tài xử lý, xử phạt thật mạnh, nghiêm khắc hơn nữa đối với tội phạm trong lĩnh vực y tế và thực phẩm; làm rõ trách nhiệm trong vụ cháy ở quận Thanh Xuân; giải pháp xử lý tình trạng vi phạm an toàn giao thông; vấn đề phòng chống tham những, tiêu cực; nhà tái định cư bỏ không, quy hoạch treo; vấn đề thiếu trường học công lập...
Về một số Luật cụ thể, cử tri kiến nghị việc sửa đổi Luật Đất đai, Luật Thủ đô cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật và thực tiễn để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Với đặc thù của Hà Nội có mật độ dân số đông, nhiều nhà chung cư, nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) cao, cử tri đề nghị cần nghiên cứu, xem xét trên cơ sở các Nghị quyết, văn kiện của Đảng để dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có những tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng về các tòa nhà cho thuê dưới hình thức nhà xây để ở và đưa ra những chế tài xử lý vi phạm phù hợp với thực tế của TP.
Cử tri Phùng Công Hồi (phường Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm) nêu ý kiến, đề nghị Quốc hội chỉ đạo xây dựng hoặc sửa đổi bổ sung Luật Nhà ở, trong đó quy định phù hợp với thực tiễn trước thực tại các chung cư cao tầng của nhiều dự án xây dựng kéo dài, không hoàn thiện để bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý toàn diện, bất cập trong sử dụng các diện tích sử dụng chung, tầng hầm, nơi giữ xe. Trong sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về dân cư với các ban quản lý, ban quản trị cần rõ ràng tạo điều kiện cho công tác an toàn trật tự xã hội, an ninh, PCCC và cho đời sống của Nhân dân.
Không hợp thức các công trình vi phạm PCCC
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã tiếp thu ý kiến của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của TP và cho biết, sẽ giao các sở tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các đề xuất về chính sách để tham mưu, báo cáo UBND TP báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội đề xuất với Quốc hội. Còn những vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước, UBND TP sẽ giao các đơn vị chịu trách nhiệm trên địa bàn để đảm bảo những vấn đề được nêu tại các kỳ tiếp xúc cử tri trước được triển khai xử lý.
Đối với một số nội dung cụ thể cử tri nêu liên quan đến quản lý Nhà nước, khắc phục tồn tại hạn chế trong công tác PCCC, liên quan đến quản lý chung cư, chung cư được xác định là nhà ở có nhiều căn hộ..., Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết: Trên địa bàn TP có mật độ dân cư đông, qua nhiều thời kỳ TP đã chỉ đạo các đơn vị quận, huyện, xã, phường và các đơn vị của TP rà soát thường xuyên và có đề xuất sửa đổi những vấn đề đặc thù. Trong quá trình xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), TP cũng rà soát, đề xuất nhiều cơ chế đặc thù về lĩnh vực này.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, TP đã ban hành nhiều văn bản và các đơn vị quận, huyện, xã, phường cũng quyết liệt trong quản lý. Tuy nhiên, vẫn còn khu vực, những nơi chưa kiên trì, kiên quyết, chưa có giải pháp mạnh. TP đã giao các đơn vị chức năng trực tiếp kiểm tra và khi có báo cáo sẽ công khai về trách nhiệm để cử tri nắm được. Đồng thời đã triển khai chiến dịch rà soát chung cư mini, khi phát hiện những đơn vị vi phạm về an toàn PCCC, có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh an toàn của người dân sẽ xử lý, khắc phục. Với những vị trí không thể khắc phục được, quan điểm của TP là không hợp thức, không làm lơ mà phải kiên quyết xử lý.
Đề xuất nhiều cơ chế chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô
Phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, thay mặt các đại biểu Quốc hội (Đơn vị bầu cử số 3), Chủ tịch HĐND TP, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân gia đình bị nạn tại vụ cháy ở Khương Đình, Thanh Xuân.
Ghi nhận những ý kiến kiến nghị của cử tri thẳng thắn, sâu sắc, tâm huyết của cử tri, Chủ tịch HĐND TP cho biết, toàn bộ nội dung cử tri nêu bộ phận thư ký sẽ tổng hợp đầy đủ để gửi tới cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, chuyển tải tới các phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Luật Thủ đô sửa đổi. Ở Luật Thủ đô trước đây có nhiều nội dung đưa ra không có quy định ở các Luật, thông tư khác nên ở lần sửa đổi này TP Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành hoàn chỉnh để Luật Thủ đô có nội dung mang nhiều cơ chế chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp lý quan trọng để xây dựng Thủ đô phát triển văn hiến, văn minh, hiện đại.
Làm rõ một số nội dung cử tri kiến nghị, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, liên quan đến Luật Nhà ở sửa đổi, TP sẽ tập trung tổng rà soát vấn đề quản lý chung cư. Về tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà ở cho thuê, tới đây sẽ được đưa vào Luật Thủ đô sửa đổi. Với vấn đề PCCC, ngoài việc rà soát xử lý vi phạm cũng có phương án thực hiện tốt hơn, trong đó tăng cường giải pháp PCCC cũng như nâng cao kỹ năng PCCC cho Nhân dân...
Về vấn đề đầu tư cho giáo dục, Chủ tịch HĐND TP cho biết, TP rất quan tâm và dành kinh phí cho 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích với vốn đầu tư trên 41.200 tỷ đồng để xây dựng hệ thống trường chuẩn quốc gia, nâng cấp trường học, y tế... Đề nghị UBND TP quan tâm dành quỹ đất xây dựng trường công lập, rà soát các dự án treo để thu hồi đầu tư xây dựng trường học nhằm đảm bảo trường lớp học, thực hiện mục tiêu giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Liên quan đến vấn đề ngập úng, Chủ tịch HĐND TP cho biết, TP đã tập trung chỉ đạo giải quyết, HĐND TP cũng có nhiều phiên chất vấn giải trình về nội dung này. Hiện HĐND TP cũng có nhiều chỉ đạo liên quan, vừa qua HĐND TP cũng tổ chức phiên chất vấn về nội dung này. Thời gian tới TP sẽ tiếp tục cân đối nguồn vốn để giải quyết vấn đề thoát nước hiệu quả hơn.
Khẳng định các ý kiến, kiến nghị của cử tri sẽ được tổng hợp, báo cáo gửi tới các cơ quan liên quan trả lời, giải quyết, Chủ tịch HĐND TP đề nghị, nội dung nào thuộc thẩm quyền, chức năng của 3 quận, cần xử lý, giải quyết để xây dựng các quận càng văn minh, hiện đại.