Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề dân sinh

Ngày 5-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang gồm các đại biểu: Tạ Minh Tâm, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Thanh Cầm, Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Thị Uyên Trang, Nguyễn Văn Dương đến tiếp xúc cử tri các huyện Tân Phước, Cái Bè, Gò Công Đông trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Tại các điểm tiếp xúc, ĐBQH tỉnh đã thông tin đến cử tri dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Theo đó, tại kỳ họp này dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 8 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác… Tiếp đó, cử tri có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề bức xúc tại địa phương đến Đoàn ĐBQH tỉnh.

LO LẮNG TÌNH TRẠNG “TÍN DỤNG ĐEN”

Tại buổi tiếp xúc, một số cử tri huyện Cái Bè cho biết người dân rất lo lắng về tình trạng cho vay nặng lãi, các đối tượng cho vay nặng lãi dán tờ rơi khắp nơi. Cử tri kiến nghị các cấp, các ngành có biện pháp mạnh đối với tình trạng trên.

Cử tri huyện Tân Phước phát biểu ý kiến.

Cử tri huyện Tân Phước phát biểu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho biết, trước diễn biến phức tạp của tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, Bộ Công an đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này. Lực lượng Công an các cấp đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 700 vụ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; trong đó, hơn 400 vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Vừa qua, lực lượng Công an đã chủ động nhận diện những thay đổi của loại tội phạm này để khởi tố, điều tra về tội danh “Cưỡng đoạt tài sản” đúng với bản chất của tội phạm, qua đó góp phần răn đe các đối tượng vi phạm. Tại tỉnh Tiền Giang, trong thời gian qua, Công an tỉnh Tiền Giang triệt phá vụ lợi dụng danh nghĩa Công ty Luật TNHH Pháp Việt để hoạt động đòi nợ thuê cho các ngân hàng, công ty tài chính. Công an TP. Hồ Chí Minh triệt phá 6 vụ lợi dụng danh nghĩa 6 công ty tài chính, công ty luật để hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đòi nợ thuê; Công an TP. Hà Nội triệt phá vụ lợi dụng danh nghĩa Công ty TNHH Mua bán nợ DSP dưới hình thức thành lập 7 công ty khác nhau để hoạt động đòi nợ thuê...

“Nhìn tổng thể, các biện pháp quyết liệt của lực lượng Công an và các ngành trong những năm qua đã góp phần từng bước đẩy lùi tội phạm “tín dụng đen”, nhất là nhiều hành vi vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen” như bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản, “khủng bố” tinh thần bằng thủ đoạn đổ chất bẩn, chất thải, nhắn tin, gọi điện đe dọa... đã giảm nhiều, không còn công khai, manh động như trước.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” dự báo sẽ có diễn biến phức tạp ở một số nơi trong bối cảnh tình hình kinh tế suy thoái sau đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh ở các doanh nghiệp, công ty chưa hiệu quả, biến tướng dưới các hình thức khác nhau và như cử tri phản ánh. Được biết, ngành Công an cũng đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm từng bước xử lý triệt để vấn đề này nhằm đảm bảo an ninh trật tự địa phương, để nhân dân yên tâm lao động sản xuất trong thời gian tới” - đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho biết thêm.

ĐƯỜNG GIAO THÔNG XUỐNG CẤP

Cử tri xã Tân Hòa Đông (huyện Tân Phước) phản ánh, huyện lộ 41 xuống cấp, hư hỏng nên chính quyền không cho xe tải vào khu vực này, gây khó khăn cho việc buôn bán và vận chuyển hàng hóa của người dân. Tuyến đường Nam Ông Địa (tuyến đường 82-84) xuống cấp, gây khó khăn trong việc đi lại. Các cử tri mong sớm đầu tư, nâng cấp để tạo thuận lợi cho người dân đi lại, buôn bán thuận tiện hơn.

Giải thích việc điều chỉnh lịch xuống giống vụ lúa đông xuân

Cử tri huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang phản ánh xoay quanh các vấn đề về giá cả vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu dành cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là quan tâm vấn đề triển khai lịch xuống giống vụ lúa đông xuân năm 2023 - 2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Nhiều cử tri cho rằng, lịch xuống giống vụ lúa đông xuân năm 2023 - 2024 không phù hợp với điều kiện phát triển tự nhiên của cây lúa, đề nghị ngành chức năng có giải thích cụ thể vấn đề này.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí giải thích, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đã có hướng dẫn, triển khai kế hoạch thực hiện vụ lúa đông xuân năm 2023 - 2024 trên vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công, dựa theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang là hạn mặn sẽ xâm nhập vào vùng Ngọt hóa Gò Công trong mùa khô tới tương đương mùa khô năm 2019 - 2020.

Do đó, để ứng phó với hạn, mặn, Sở NN&PTNT tỉnh đã điều chỉnh kế hoạch xuống giống vụ lúa đông xuân, nhằm hạn chế thiệt hại về giống, chi phí sản xuất cho người dân địa phương... Vì vậy, đồng chí mong cử tri hiểu và đồng thuận với chủ trương trên.

Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong cho biết, đối với các tuyến đường xã, ấp, vốn huyện phân cấp về cho xã còn thấp do ngân sách của huyện khó khăn. Đối với đường huyện 41 (Nam Tràm Mù) sẽ dự kiến làm đường huyện, huyện sẽ cố gắng phân bổ vốn để làm đường này. Tuy nhiên, kinh phí rất lớn, nên huyện chưa đủ kinh phí để thực hiện. Đối với các xã, nếu có nhu cầu bức xúc, xã có thể xin thêm kinh phí, huyện vẫn bố trí kinh phí để duy tu và sửa chữa đường.

Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tân Phước cho biết thêm, đoạn đường 867 đến Lán Cát, người dân đề nghị trải đá xanh để thuận tiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa... Đoạn đường 867 đến Lán Cát 11,37 km, hiện nay cầu và đường chưa đồng bộ. Theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới, trong năm 2024 huyện sẽ đầu tư đoạn từ UBND xã Thạnh Tân đến kinh 1 dài 4,8 km. Đối với đường huyện 41, đoạn 867 đến Lán Cát huyện sẽ phân kỳ đầu tư theo kế hoạch đầu tư công trung hạn trong thời gian tới. Phòng Kinh tế - Hạ tầng ghi nhận ý kiến của người dân và sẽ tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện và phối hợp với lãnh đạo UBND xã Tân Hòa Đông cùng tháo gỡ khó khăn cho người dân trong thời gian tới.

Cũng tại các điểm tiếp xúc, các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền địa phương, đã được lãnh đạo các phòng, ban liên quan và chính quyền huyện, xã trực tiếp làm rõ, giải đáp thỏa đáng ngay tại buổi tiếp xúc.

Cử tri huyện Cái Bè phát biểu ý kiến.

Cử tri huyện Cái Bè phát biểu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV đã ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị của cử tri và trao đổi, làm rõ thêm một số ý kiến, kiến nghị cử tri phản ánh. Đại biểu cho biết các vấn đề cử tri phản ánh Đoàn ĐBQH tỉnh rất quan tâm, ghi nhận và chia sẻ với những khó khăn ở địa phương. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh, Đoàn ĐBQH sẽ có ý kiến về tỉnh; những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương, Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và sẽ có ý kiến ở các diễn đàn của Quốc hội và Trung ương nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, đáp ứng nguyện vọng cử tri trong thời gian tới.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202310/dai-bieu-quoc-hoi-don-vi-tinh-tien-giang-tiep-xuc-cu-tri-cu-tri-kien-nghi-nhieu-van-de-dan-sinh-992229/