Cử tri kiến nghị thành lập cơ quan chuyên trách giám sát việc kê khai tài sản
Theo cử tri, thay vì 'bốc thăm' xác minh tài sản, nên quản lý dòng tiền và nguồn thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức như các nước tiên tiến trên thế giới đang thực hiện.
Nêu ý kiến với Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong về việc thẩm tra, xác minh và quản lý việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, cử tri Đà Nẵng cho rằng cần có cơ chế, biện pháp hiệu quả hơn, có thể nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ này.
Trả lời cử tri, ông Đoàn Hồng Phong cho biết, so với trước đây, cơ chế, biện pháp quản lý hiện nay đã được bổ sung, tăng cường nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong xác minh và quản lý kê khai tài sản, thu nhập với một số điểm mới quan trọng, nhất là việc xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên.
Dẫn số liệu, ông Phong thông tin, năm 2022, qua xác minh 7.662 người đã phát hiện 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh, xử lý theo quy định.
Cùng năm này, các bộ, ngành, địa phương cũng đã tổ chức kiểm tra được 4.934 cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc thực hiện các quy định về kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Cho biết Thanh tra Chính phủ đang đang thực hiện xây dựng Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản”, ông Phong nhấn mạnh, việc nghiên cứu về mô hình cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, xác minh và quản lý việc kê khai tài sản, thu nhập sẽ được thực hiện về lâu dài, trên cơ sở kết quả sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Trước mắt, theo ông, mô hình các cơ quan kiếm soát tài sản, thu nhập vẫn phải tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Luật PCTN năm 2018 và Quyết định sổ 56-QD/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị.
Vẫn liên quan đến việc quản lý kê khai tài sản, cử tri Đà Nẵng đề nghị xem xét không nên áp dụng việc kê khai và giám sát kê khai tài sản theo kiểu bốc thăm như hiện nay.
“Cần áp dụng và tăng cường các biện pháp quản lý khoa học, nhất là quản lý dòng tiền và nguồn thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và toàn xã hội như các nước tiên tiến trên thế giới đang thực hiện hiện nay”- cử tri Đà Nẵng nêu ý kiến.
Hồi âm, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nói, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định cụ thể nhằm kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn góp phần kiểm soát, quản lý dòng tiền và nguồn thu nhập của cán bộ, công chức.
Vẫn theo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, hằng năm cơ quan này đều xây dựng định hướng xác minh tài sản, thu nhập trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo cơ quan thanh tra xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm và tổ chức thực hiện; nơi không có cơ quan thanh tra thì chỉ đạo đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ thực hiện.
“Thanh tra Chính phủ đang tổng hợp báo cáo và xem xét kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập, trong đó có việc tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, thu nhập bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ để làm cơ sở nghiên cứu và tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật đối với nội dung này” – ông Phong cho biết.
Đánh giá toàn diện hơn về bản chất của “tham nhũng vặt”
Đây là yêu cầu của cử tri Tây Ninh gửi tới Tổng Thanh tra Chính phủ. Theo cử tri Tây Ninh, bản chất tham nhũng vặt thường xảy ra trong mối quan hệ khép kín giữa chủ thể tham nhũng và chủ thế tiếp tay tham nhũng (nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính), rất khó phát hiện nếu không có tố cáo, tố giác từ những cá nhân tham gia mối quan hệ này.
Mặt khác, một số trường hợp chủ thể tiếp tay tham nhũng không phải là bên yếu thế mà ngược lại còn chủ động đề nghị tham nhũng (ví dụ hối lộ để bỏ qua sai phạm) nên càng khó xảy ra việc tố cáo, tố giác.
Do đó, song song với việc tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, thì các giải pháp khác như cải cách chế độ tiền lương, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp, tăng chế tài hình sự về hành vi tham nhũng vẫn cần tiếp tục thực hiện.
Ngoài ra, có thể nghiên cứu giải pháp chống tham nhũng vặt tại các nước như Trung Quốc, Singapore để áp dụng vào thực tiễn như tạo cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho người tiếp tay tham nhũng, cơ chế cho phép khắc phục hậu quả sai phạm..., nhằm thúc đẩy người tiếp tay tham nhũng tố cáo, tố giác, từ đó sẽ tạo hiệu ứng răn đe để cán bộ, công chức “không dám tham nhũng”.
Phản hồi đề nghị này, ông Đoàn Hồng Phong thừa nhận thời gian qua vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, thiếu khách quan, gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triên kinh tế - xã hội.
Bên cạnh các giải pháp đang thực hiện, ông Phong xin ghi nhận, tiếp thu kiến nghị cử tri; đồng thời, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và chống “tham nhũng vặt” nói riêng, theo ông Phong, thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tham mưu tổ chức đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, từ đó đưa các giải pháp nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả.