Cử tri Lai Châu đánh giá phiên chất vấn rõ ràng, dân chủ
Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 10/11, đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến nhóm vấn đề về lĩnh vực y tế, lao động, thương binh và xã hội. Đây là những nhóm vấn đề được nhiều cử tri tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm.
Đánh giá phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, cử tri Dương Ngọc Hương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ (Lai Châu) cho rằng, cách thức điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rất rõ ràng, dân chủ. Không khí chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, có sự tranh luận đến cùng để làm sáng tỏ vấn đề. Nội dung chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát thực tiễn những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của nhân dân như: Công tác phòng, chống dịch COVID-19; giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, vùng, miền; việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho thị trường lao động theo diễn biến của dịch… Các đại biểu trả lời chất vấn đúng trọng tâm, giúp cử tri dễ hiểu. Tuy nhiên, còn một số đại biểu trình bày dài dòng dẫn đến hết thời gian, một số câu trả lời của đại biểu còn chung chung.
Một trong những vấn đề cử tri Dương Ngọc Hương quan tâm là chính sách y tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách y tế cho đồng bào dân tộc thời gian qua có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống, sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu. 100% người dân tộc thiểu số được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và khi người dân nằm điều trị tại các cơ sở y tế công lập sẽ được chi trả 100%. Chính sách này đã góp phần san sẻ khó khăn về kinh tế cho các hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu như cúng bái để chữa bệnh; tạo điều kiện cho người dân vùng khó được tiếp cận với các dịch vụ y tế, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Tuy nhiên, ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), khu vực II (xã khó khăn), khu vực I (xã thoát khỏi khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới) của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Theo đó, năm 2019 và 2020, huyện Phong Thổ có hai xã biên giới Huổi Luông, Ma Ly Pho đã thoát khỏi xã khó khăn và đặc biệt khó khăn do được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã này bị cắt giảm, trong đó có hỗ trợ về bảo hiểm y tế.
Mặc dù đã được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, nhưng nhiều hộ gia đình vẫn chưa thích ứng được việc không còn hỗ trợ. Quy định trên khiến tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ở hai xã giảm đáng kể (chẳng hạn xã Huổi Luông giảm từ 98% xuống 61,3%), làm ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh ở địa phương. Do vậy, cử tri Dương Ngọc Hương mong muốn Trung ương có chính sách hỗ trợ linh hoạt đặc thù cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới mới thoát nghèo. Các chính sách có thể cắt giảm theo từng năm để người dân kịp thích ứng…
Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, cử tri Nùng Văn Nim, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu cho biết, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê các đối tượng đủ điều kiện nhận hỗ trợ để lập danh sách. Đến nay, Lai Châu đã hỗ trợ hơn 9.500 người sử dụng lao động và người lao động với kinh phí trên 2 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 đã kịp thời chia sẻ khó khăn kinh tế với các hộ gia đình, giúp nhân dân ngày càng tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Cử tri Nùng Văn Nim mong muốn, thời gian tới, Trung ương sớm ban hành văn bản triển khai Nghị quyết 126/NQ-CP sửa đổi, bổ sung về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; ban hành thêm chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, người lao động, hỗ trợ người lao động trực tiếp như giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm giá điện, nước, xăng. Đồng thời, Trung ương cần chỉ đạo các tỉnh, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách hỗ trợ, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách, kiên quyết không để xảy ra việc trục lợi chính sách.