Cử tri Lâm Đồng kiến nghị sớm khắc phục chồng chéo trong công tác quy hoạch
Chiều 30/5, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Đây là vấn đề được dư luận, cử tri, các nhà quản lý tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) rất quan tâm, bày tỏ ý kiến đóng góp cũng như các kiến nghị để khắc phục những bất cập trong công tác quy hoạch trên địa bàn.
Theo dõi sát sao phiên họp và thảo luận của Quốc hội trong chiều 30/5, cử tri Nguyễn Viết Quyền (Chủ tịch UBND Phường 7, thành phố Đà Lạt) đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, qua đó đã nhìn thẳng vào vấn đề, làm sáng tỏ những khúc mắc, bất cập cần giải quyết sau thời gian thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017.
Ngay tại địa phương, trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều vướng mắc, chồng chéo trong công tác quy hoạch về đô thị, quy hoạch lâm nghiệp và quy hoạch sử dụng đất. Điển hình như một số khu vực, quy hoạch sử dụng đất một đằng, quy hoạch về xây dựng, đô thị lại một nẻo bởi hai cơ quan ban hành quy hoạch khác nhau, dẫn đến hệ lụy người dân lẫn cơ quan chức năng không theo kịp các quy định. Theo ông Quyền, hiện nay các quy hoạch của tỉnh, của ngành và của Trung ương còn chồng chéo; kiến nghị các ngành, các cấp sớm có sự thống nhất trong công tác quy hoạch để tháo gỡ khó khăn cho công tác quản lý cũng như sự thuận lợi cho người dân.
Ông Nguyễn Dương Trung Hữu, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Đà Lạt nêu ý kiến, việc đồng bộ giữa các luật, nghị định, thông tư có liên quan đến quy hoạch là rất cần thiết. Qua đó làm cơ sở để các địa phương áp dụng có hiệu quả trong công tác lập và quản lý quy hoạch nhằm xây dựng các đồ án quy hoạch có tính chiến lược, định hướng tốt về chức năng các đô thị, nâng cấp đô thị, phát triển đô thị, phát triển khu chức năng và nhà ở xã hội; gắn liền với tăng trưởng xanh, phát triển không gian cảnh quan, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
“Theo tôi, để hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch chúng ta cần thực hiện tốt việc lấy ý kiến nhân dân trong vùng quy hoạch, nêu rõ trách nhiệm đóng góp ý kiến quy hoạch thông qua Hội đồng nhân dân các cấp đối với từng đồ án quy hoạch. Có như vậy mới phù hợp với thực tiễn địa phương và được sự đồng thuận của nhân dân” - ông Hữu đề xuất.