Cử tri mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua
Trình bày tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Văn Lộc, đại diện cử tri phường Kim Liên, quận Đống Đa cho biết, tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và một số dự án luật quan trọng khác, ông mong các luật này sớm được đi vào cuộc sống nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Đáp ứng nguyện vọng của người dân
Chiều 4/5, tại trụ sở HĐND&UBND Quận Hai Bà Trưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu Đoàn ĐB Quốc hội TP gồm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội Nguyễn Quốc Duyệt, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa (Đơn vị bầu cử số 1) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Văn Lộc, đại diện cử tri phường Kim Liên, quận Đống Đa cho biết, tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và một số dự án luật quan trọng khác, cử tri rất mong các luật này sớm được đi vào cuộc sống nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Cử tri Lê Thanh Huyền, phường Cống Vị, quận Ba Đình nêu những ý kiến tâm huyết đóng góp vào Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó nhấn mạnh: Việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô là cần thiết, để động viên họ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài, có hiệu quả cho sự phát triển, xây dựng Thủ đô. Liên quan Chương II, Điều 28 về “Bảo vệ môi trường và giảm phát thải”, cử tri đề xuất, để thực hiện tốt bảo vệ môi trường, cần có cơ quan, viện nghiên cứu, tham mưu cho TP để làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần bố trí nguồn lực của TP, thu hút khuyến khích đầu tư vào dự án xử lý chất thải; tăng thu phí vệ sinh môi trường để đủ bù đắp cho quy trình thu gom - vận chuyển - xử lý rác thải sinh hoạt; có biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý những hành động gây xả thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Cử tri Nguyễn Đức Thuận, phường Nam Đồng, quận Đống Đa cho rằng, thực hiện Nghị quyết 35/2023 của Quốc hội khóa XV về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 là một công việc khá phức tạp, động chạm đến con người, tài sản. Vì vậy, cử tri đề nghị các cơ quan chức năng triển khai từng bước thận trọng, nhất là sắp xếp cán bộ dôi dư sao cho hợp lý; quản lý tài sản công các trụ sở hành chính khi sáp nhập hiệu quả; nhất là đặt tên đơn vị mới sao cho hợp lòng dân và phù hợp truyền thống văn hóa của địa phương.
Hà Nội không “xin tiền” mà “xin cơ chế chính sách”
Tiếp thu các ý kiến cử tri, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà thay mặt lãnh đạo UBND TP trả lời những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP. Trong đó cho biết, công tác sắp xếp ĐVHC cấp xã đang được TP triển khai các bước theo quy trình thực hiện, trong đó về quản lý tài sản công để tránh lãng phí, TP đã giao Sở Tài chính có hướng dẫn các quận huyện thị xã, sau khi phương án được phê duyệt thì các địa phương phải triển khai xây dựng phương án quản lý sắp xếp tài sản công, nhằm quản lý hiệu quả, đúng quy định, tránh lãng phí trong sử dụng.
Về sắp xếp cán bộ, theo Phó Chủ tịch UBND TP, giai đoạn này tuy số lượng ĐVHC sắp xếp không lớn nhưng TP đã chỉ đạo xây dựng phương án cụ thể để sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, nhất là với cán bộ dôi dư có nhu cầu nghỉ công tác sớm, TP đã giao các cơ quan tham mưu HĐND TP ban hành cơ chế đặc thù, sắp xếp và giảm dần theo lộ trình.
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XVI tới sẽ diễn ra trong bối cảnh Nghị quyết 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đang được tích cực triển khai. Đặc biệt, Luật Thủ đô dự kiến được thông qua tới đây sẽ có rất nhiều cơ chế chính sách cho phát triển đột phá của Thủ đô, với tinh thần chung là Hà Nội không “xin tiền” mà “xin cơ chế chính sách”, nhằm giải quyết những vấn đề hết sức quan trọng cho sự phát triển, như liên kết vùng, tăng phân cấp, phân quyền trên các lĩnh vực, với nhiều chế tài cụ thể, với mong muốn Thủ đô sẽ được tự quyết định nhiều vấn đề, nhất là những dự án lớn - cơ chế vô cùng quan trọng với TP trong tương lai.
Tiếp thu các ý kiến cụ thể, tâm huyết của cử tri 3 quận, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội quyết tâm, quyết liệt hơn trong công tác của mình, để những công việc chung của TP được triển khai đạt hiệu quả cao, phục vụ tốt hợn cuộc sống người dân Thủ đô.