Cử tri ở 11 xã, phường của Hà Nội kiến nghị về vấn đề chính sách sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính
Sáng 4-7, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội - đơn vị bầu cử số 4 đã tiếp xúc cử tri 11 xã, phường của Hà Nội sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tham dự buổi tiếp xúc cử tri có các đại biểu: Nguyễn Tuấn Thịnh - đại biểu Quốc hội chuyên trách (dự thay đồng chí Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội hiện đang đi công tác); Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội; đồng chí Lê Quân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.


Quang cảng buổi tiếp xúc cử tri trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: Ánh Dương
Buổi tiếp xúc cử tri được thực hiện bằng hình thức trực tiếp tại trụ sở HĐND - UBND xã Gia Lâm (đối với đại biểu và cử tri của 4 xã: Gia Lâm, Bát Tràng, Phù Đổng, Thuận An) và trực tuyến tại trụ sở HĐND - UBND các phường: Hoàng Mai, Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng, Tương Mai, Định Công, Hoàng Liệt, Yên Sở.

Đại biểu Lê Quân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu. Ảnh: Ánh Dương
Thay mặt các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân báo cáo với các cử tri của 11 xã, phường về kết quả kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Lê Quân cũng thông tin tới các cử tri về kết giải quyết, trả lời của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trung ương, các cơ quan có thẩm quyền về những kiến nghị của cử tri tại các kỳ tiếp xúc lần trước.
Tại buổi tiếp xúc, các ông, bà cử tri đã nêu các ý kiến liên quan đến chế độ, chính sách sau sắp xếp đơn vị hạn chính, việc thực hiện các dự án trên địa bàn...

Cử tri Đào Thị Thanh Huyền, xã Phù Đổng nêu ý kiến. Ảnh: Ánh Dương
Cử tri Đào Thị Thanh Huyền, xã Phù Đổng phản ánh vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quản lý các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Cụ thể, tại Khoản 10, Điều 23, Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 72/2025/QH15 và tại Điểm b, Khoản 4, Điều 40, Nghị định 142/2025/NĐ-CP ngày 12-6-2025 của Chính phủ về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 1-7-2025, chưa thống nhất, dẫn đến khó khăn khi thực hiện. Cử tri đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi ban hành các văn bản cần rà soát, bảo đảm tính thống nhất để cấp dưới thực hiện.

Cử tri phường Hoàng Liệt nêu ý kiến. Ảnh: Ánh Dương
Liên quan đến công tác cán bộ, cử tri Nguyễn Viết Định, phường Hoàng Liệt đề nghị thành phố Hà Nội quan tâm sắp xếp vị trí việc làm cho cán bộ chuyên trách, không chuyên trách được chuyển sang là cán bộ công chức; ngoài ra hiện nay, cơ sở vật chất, trụ sở làm việc còn chật chội, phường Hoàng Liệt mới đề nghị thành phố quan tâm bố trí vị trí để xây dựng trụ sở mới, đáp ứng nhu cầu làm việc và phục vụ nhân dân được tốt hơn.
Cử tri Nguyễn Văn Đạt, đại diện cử tri xã Thuận An kiến nghị với đại biểu Quốc hội về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội cấp xã. Do hiện nay, số lượng công chức, cán bộ cấp xã còn dôi dư nhiều. Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh, tăng thời gian lộ trình sắp xếp tinh gọn bộ máy.

Cử tri xã Thuận An nêu ý kiến. Ảnh: Ánh Dương
Cử tri Nguyễn Thị Thanh Hà, xã Thuận An cũng phản ánh: Để tạo điều kiện tốt nhất cho HĐND các cấp, nhất là HĐND cấp xã hoạt động hiệu quả, cử tri đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đơn vị có liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới; các văn bản liên quan đến chế độ, chính sách đối với đại biểu HĐND cấp xã (mới); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cho phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới.
Cử tri Tạ Ngọc Đông, phường Vĩnh Hưng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành những văn bản hướng dẫn đầy đủ liên quan việc vận hành bộ máy chính quyền cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp.
Cử tri Phạm Đức Anh, ở thôn 2, xã Bát Tràng phản ánh: Từ năm 2016, xã Bát Tràng được thực hiện Đề án bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhưng sau 9 năm triển khai, đến nay, quy hoạch làng nghề Bát Tràng vẫn chưa được phê duyệt. Việc chậm phê duyệt quy hoạch làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn, như: Giao thông, chợ, bãi đỗ xe, trung tâm bảo tồn, các thiết chế văn hóa, chưa phát huy được những tiềm năng, lợi thế của làng nghề truyền thống, thu nhập của người dân... Đề nghị các đại biểu Quốc hội phản ánh tới các cơ quan có thẩm quyền của thành phố Hà Nội quan tâm, sớm phê duyệt quy hoạch làng nghề truyền thống xã Bát Tràng để làm cơ sở đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh tiếp thu các ý kiến cử tri. Ảnh: Ánh Dương
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội - đơn vị bầu cử số 4, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của đại diện cử tri các xã, phường nêu, đồng thời giải thích, trả lời một số vấn đề cử tri nêu thuộc thẩm quyền. Đại biểu cho biết các ý kiến đã được Tổ thư ký ghi chép, tổng hợp đầy đủ và phân loại để chuyển tới Quốc hội cùng các cấp có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội sẽ bám sát quá trình giải quyết của các cấp có thẩm quyền và báo cáo kết quả với cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri tiếp theo.