Cử tri Pháp bước vào cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt

Hôm nay (30/6), cử tri Pháp đi bỏ phiếu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội. Sự kiện này có thể dẫn đến việc hình thành chính phủ cực hữu đầu tiên ở Pháp kể từ Thế chiến thứ hai, từ đó sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn ở trái tim của Liên minh châu Âu (EU).

Ông Jordan Bardella được đảng RN dự kiến cho vị trí thủ tướng Pháp. (Ảnh: Reuters)

Ông Jordan Bardella được đảng RN dự kiến cho vị trí thủ tướng Pháp. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Emmanuel Macron đã khiến cả nước Pháp choáng váng khi ông kêu gọi bầu cử sớm, sau khi liên minh trung dung của ông bị đảng Tập hợp quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen đè bẹp trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đầu tháng này.

Với chủ trương bài châu Âu và chống người nhập cư, RN từng bị ruồng bỏ trong nhiều năm, nhưng giờ đây đang tiến gần đến quyền lực hơn bao giờ hết.

Các điểm bầu cử mở cửa lúc 06:00 GMT, kết thúc lúc 16:00 GMT ở các thị trấn và thành phố nhỏ và 18:00 GMT ở các thành phố lớn hơn.

Hệ thống bầu cử của Pháp gây khó khăn cho việc ước tính sự phân bổ chính xác số ghế trong Quốc hội gồm 577 ghế. Sẽ không thể biết kết quả cuối cùng cho đến khi kết thúc cuộc bỏ phiếu vào ngày 7/7.

“Chúng tôi sẽ giành được đa số tuyệt đối”, bà Le Pen nói trong cuộc phỏng vấn trên báo hôm 26/6, và dự đoán ông Jordan Bardella, 28 tuổi, sẽ trở thành thủ tướng.

Nếu RN giành được đa số tuyệt đối, chính trị Pháp có thể bước vào giai đoạn hỗn loạn chưa từng có, khi ông Macron tiếp tục làm tổng thống cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2027, còn ông Bardella nỗ lực khẳng định vai trò của mình.

Trong lịch sử hậu chiến, Pháp đã trải qua 3 thời kỳ "chung sống", khi tổng thống và chính phủ thuộc phe phái chính trị đối lập nhau, nhưng không có thời kỳ nào mà các đảng đối lập có quan điểm thế giới hoàn toàn khác biệt như hiện nay.

Ông Bardella cho biết ông sẽ thách thức Tổng thống Macron về các vấn đề toàn cầu. Pháp có thể chuyển từ vai trò trụ cột thành cái gai đối với Liên minh châu Âu (EU), với những đòi hỏi về giảm đóng góp ngân sách cho khối, xung đột với Brussels về công việc của Ủy ban châu Âu và đảo ngược chủ trương của Tổng thống Macron về sự thống nhất và quyết đoán hơn trong vấn đề quốc phòng.

Một chiến thắng cho RN cũng sẽ dẫn đến những thay đổi trong quan điểm của Pháp về cuộc xung đột Nga - Ukraine. Bà Le Pen được đánh giá là người không chống Nga. Dù RN nói rằng sẽ giúp Ukraine tự vệ, nhưng cũng đã đặt ra giới hạn, như không cung cấp tên lửa tầm xa.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy RN đang dẫn trước với tỷ lệ 33-36%, Mặt trận Bình dân Mới ở vị trí thứ hai với 28-31%, còn liên minh trung dung của Tổng thống Macron ở vị trí thứ ba với 20-23% ủng hộ.

Bình Giang

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cu-tri-phap-buoc-vao-cuoc-bau-cu-mang-tinh-buoc-ngoat-post1650717.tpo