Cử tri Pháp bước vào vòng quyết định bầu tổng thống
Trong hôm nay, hơn 48 triệu cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu vòng hai để lựa chọn đương kim Tổng thống Emmanuel Macron hoặc ứng viên cực hữu Marine Le Pen làm nhà lãnh đạo mới của nước Pháp trong nhiệm kỳ 5 năm tới.
AFP đưa tin, đúng 8h sáng ngày 24/4 (13h Việt Nam), các điểm bỏ phiếu trên toàn nước Pháp sẽ mở cửa để đón 48,7 triệu cử tri Pháp đủ điều kiện đi bỏ phiếu vòng hai.
Trước đó, trong ngày 23/4, những cử tri đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu tổng thống vòng hai là những công dân Pháp sinh sống tại các vùng lãnh thổ hải ngoại của nước này trên khắp thế giới, với dân số gần 3 triệu người. Trong đó, lá phiếu đầu tiên là của một cụ ông 90 tuổi, sống tại vùng lãnh thổ cộng đồng Saint Pierre và Miquelon, ngoài khơi bờ biển Newfoundland, phía bắc Canada.
Cử tri Pháp ở Canada thực hiện bỏ phiếu sớm. Nguồn: Daily Mail
Các điểm bỏ phiếu sau đó được mở cửa tại chuỗi đảo của Pháp ở Caribe, tỉnh hải ngoại Guyane thuộc Pháp ở bờ bắc Nam Mỹ, các vùng lãnh thổ khác ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, sau đó tới trong nước. Khoảng 130.000 công dân Pháp đăng ký bỏ phiếu tại Mỹ và hơn 100.000 tại Canada.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, 45 tuổi, được đánh giá có khả năng giành chiến thắng trong vòng hai bầu cử. Trong cuộc tranh luận vào tuần trước với ứng viên cực hữu Marine Le Pen, 54 tuổi, có nhiều dấu hiệu cho thấy ông đã củng cố lợi thế của mình. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận tại Pháp trước vòng hai đều dự đoán ông Macron có cơ hội rất lớn để tái đắc cử, khi dẫn trước tỷ lệ ủng hộ cao hơn đối thủ 6-15 điểm phần trăm. Tuy nhiên, Tổng thống Macron và các đồng minh khẳng định chưa thể đảm bảo chiến thắng.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong vòng hai sẽ là một ẩn số lớn. Theo Bộ Nội vụ Pháp, chỉ vài ngày trước khi cuộc bầu cử diễn ra, đã có hơn nửa triệu cử tri làm đơn ủy quyền cho người khác đi bỏ phiếu hộ, đặc biệt là xung quanh khu vực Paris.
Trong khi đó, gần một nửa trong số gần 8 triệu cử tri ủng hộ ứng viên cánh tả Jean-Luc Melenchon, người giành vị trí thứ ba trong vòng một bầu cử tổng thống Pháp, dự báo sẽ không đi bỏ phiếu ủng cho cả Tổng thống Macron và bà Le Pen.
Ông Martial Foucault, Giám đốc trung tâm nghiên cứu chính trị Cevipof, đánh giá nếu tỷ lệ cử tri vắng mặt hay bỏ phiếu trắng càng lớn, thì khoảng cách chiến thắng giữa ông Macron và bà Le Pen càng hẹp. Khi đó, ông Macron được cho là sẽ gặp bất lợi hơn.
Theo nhận định từ các chuyên gia, nếu ứng viên cực hữu Le Pen giành đa số phiếu, điều này sẽ gây ra làn sóng chấn động trên toàn châu Âu. Khi đó, bà Le Pen sẽ trở thành lãnh đạo cực hữu và nữ tổng thống đầu tiên của Pháp. Người Pháp có thể mong đợi một sự thay đổi triệt để trong các chính sách đối nội, đối ngoại và mục tiêu kiềm chế lạm phát trong kinh tế của bà.
Trong khi đó, nếu chiến thắng nghiêng về ông Macron, ông sẽ trở thành tổng thống Pháp đầu tiên đảm nhận nhiệm kỳ hai sau hai thập kỷ. Tuy nhiên, ông sẽ phải đối mặt với nhiệm kỳ đầy khó khăn trong việc giải quyết các chính sách của nước Pháp với xung đột tại châu Âu, các vấn đề về lương hưu, việc làm và cải thiện đời sống của người dân.