Cử tri Phú Yên mong Chính phủ có giải pháp đồng bộ để kiểm soát lạm phát

Sáng 1/6, qua theo dõi phiên thảo luận tại hội trường của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Phú Yên bày tỏ sự đồng thuận với báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Quang cảnh cuộc họp Quốc hội sáng 1/6. Ảnh: TTXVN phát

Quang cảnh cuộc họp Quốc hội sáng 1/6. Ảnh: TTXVN phát

Nhiều cử tri cho rằng, với 143 lượt đăng ký phát biểu thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã rất tâm huyết trong việc đóng góp ý kiến cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ý kiến của đại biểu ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề cần thảo luận.

Theo ông Lê Xuân Hà, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên, ý kiến của đại biểu Quốc hội có nhiều nội dung rất sát với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua. Cụ thể như: Tình hình giá xăng dầu tăng tác động đến các mặt đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế; vấn đề giải ngân vốn đầu tư công; các gói hỗ trợ phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19; tình hình thao túng thị trường chứng khoán và bất động sản…

Các đại biểu đều kỳ vọng với đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế nước ta sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Bên cạnh đó, vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước mong muốn là Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn đến trung hạn và dài hạn để kiểm soát lạm phát. Những mặt hàng thiết yếu cần được bình ổn giá để đảm bảo an sinh xã hội. Các gói hỗ trợ cho lao động và doanh nghiệp phải sớm được thực hiện để khôi phục sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Cùng với việc đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế, tại hội trường đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến chính sách phát triển giáo dục; phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vấn đề này được cử tri tỉnh Phú Yên đánh giá cao và mong muốn Quốc hội, Chính phủ có giải pháp để phát huy.

Cử tri Phạm Thanh Chung - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Phú Yên nêu ý kiến: Từ xa xưa, giáo dục được xem là quốc sách; văn hóa soi đường cho quốc dân đi và là nền tảng tư tưởng xã hội. Chính vì thế các đại biểu Quốc hội quan tâm đến những vấn đề này là rất sát, đúng. Cử tri mong muốn văn hóa Việt Nam, giáo dục Việt Nam phải được quảng bá nhiều hơn nữa ra thế giới. Việc tự chủ đại học được Quốc hội nhiều lần thảo luận song cách thức thực hiện còn nhiều hạn chế nên chưa phát huy được hiệu quả. Vì thế, Chính phủ cần có giải pháp và sự chỉ đạo quyết liệt, nhất quán đề huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội vào phát triển giáo dục đại học.

Cử tri cũng cho rằng, văn hóa cần được gắn kết với du lịch để thúc đẩy phát triển. Sau khi đại dịch ở nước ta cơ bản được kiểm soát, du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng tăng. Đây vừa là cơ hội để phát triển kinh tế vừa là cơ hội để nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam. Các đại biểu Quốc hội cần thảo luận thêm về việc tăng lương cho cán bộ, viên chức và người lao động trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống.

Xuân Triệu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cu-tri-phu-yen-mong-chinh-phu-co-giai-phap-dong-bo-de-kiem-soat-lam-phat-20220601133657099.htm