Cử tri quận 1 quan tâm chuyện tinh giản cán bộ sau sắp xếp bộ máy
Theo các cử tri quận 1, việc quyết định 'ai đi, ai ở' khi sắp xếp bộ máy là bài toán không hề đơn giản.
Tối 17-4, tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 2 đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 1 trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tổ ĐBQH đơn vị 2 có bà Trần Kim Yến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM; ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội.

Cử tri Nguyễn Hải Hùng (phường Đa Kao) góp ý tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Quan tâm đến đội ngũ cán bộ sau sắp xếp
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Hải Hùng (phường Đa Kao) khẳng định một trong những vấn đề quan trọng khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là công tác bố trí và tuyển chọn cán bộ, công chức.
“Nhất là với cấp lãnh đạo, quản lý, việc quyết định ai đi, ai ở là một bài toán đặt ra không hề đơn giản”- ông Hùng nói và cho rằng để bộ máy hoạt động hiệu quả thì phải lựa chọn được những cán bộ đủ đức, đủ tài và bố trí đúng người, đúng việc.
Cũng theo cử tri Nguyễn Hải Hùng, khi sáp nhập cấp xã, bỏ cấp huyện thì sẽ có một số lượng lớn cán bộ, công chức cấp xã nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc. Do đó, ông mong Nhà nước có chính sách phù hợp giúp đội ngũ cán bộ có điều kiện sớm ổn định cuộc sống sau tinh giản, sắp xếp bộ máy.
Cử tri quận 1 cũng kiến nghị có kế hoạch sáp nhập phường, xã chi tiết và khoa học, nghiên cứu kỹ mô hình để cấp xã phát triển xứng tầm và hoạt động hiệu quả.

Cử tri quận 1 góp ý. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Cử tri Nguyễn Thị Thu Hà (phường Cô Giang) đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu quả quản lý.
“Tôi mong trong quá trình sắp xếp Nhà nước đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của đội ngũ cán bộ bị ảnh hưởng. Các chính sách hỗ trợ về đào tạo và chuyển đổi công việc cần được tính toán kỹ lưỡng để không ai bị bỏ lại phía sau”- bà Hà nói.
Cử tri Lưu Vĩnh Khái (phường Nguyễn Cư Trinh), đồng tình về chủ trương thu gọn bộ máy và tinh giản biên chế. Ông cũng đề nghị Trung ương và TP.HCM cần quan tâm chế độ, chính sách cho người hoạt động không chuyên trách ở phường.
“Bởi khi sáp nhập phường thì cán bộ không chuyên trách là đối tượng bị cắt giảm đầu tiên. Trong khi đó, họ mức phụ cấp thấp, lại không được hưởng các chế độ hỗ trợ thôi việc như cán bộ chuyên trách”- ông Khái nêu thực tế.
Cử tri quận 1 cho rằng để những người hoạt động không chuyên trách cảm thấy mình bị bỏ lại phía sau, phải đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện cho đội ngũ này.
Cụ thể, ông Khái kiến nghị có quy định rõ ràng về việc tham gia bảo hiểm xã hội cho cán bộ không chuyên trách để đảm bảo quyền lợi của họ khi về hưu hoặc gặp rủi ro. Cùng với đó là có các chính sách hỗ trợ tài chính, đào tạo nghề cho cán bộ bị ảnh hưởng.
“Đặc biệt, khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính thì cần đánh giá năng lực của cán bộ một cách minh bạch, công bằng. Với cán bộ không chuyên trách có năng lực phù hợp thì cần ưu tiên sử dụng, đồng thời tận dụng và phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ không chuyên trách trẻ tuổi”- cử tri nói thêm.

ĐB Trần Kim Yến trả lời cử tri quận 1. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Cần cán bộ am hiểu khoa học công nghệ
Trả lời các ý kiến của cử tri quận 1, ĐB Trần Kim Yến cho biết việc sắp xếp bộ máy là quyết tâm chính trị rất cao của Trung ương nhằm khắc phục mặt còn hạn chế, đáp ứng xu thế phát triển.
Bà Yến nhấn mạnh việc không còn tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, sáp nhập cấp xã thì bộ máy của TP.HCM sẽ gọn lại và số lượng cán bộ công chức cũng giảm theo. Và TP.HCM không cộng cơ học lại mà sẽ sắp xếp cán bộ một cách có chọn lọc để có được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, đủ phẩm chất, đủ điều kiện đáp ứng công việc trong tình hình mới.
“Cấp ủy các cấp cũng đã đưa ra những tiêu chí cụ thể để có chọn lọc khi sắp xếp. Và đã nói là ‘chọn lọc’ thì tức là sẽ có sự hy sinh, sẽ có những cán bộ không còn tiếp tục công tác và những cán bộ tiếp tục ở lại. Và ai cũng có cái khó, cần có sự nỗ lực vì lợi ích chung”- bà Yến nhìn nhận.
Theo bà Yến, những cán bộ ở lại sẽ phải làm việc với một tâm thế mới. Nếu ngày trước một việc cần nhiều người giải quyết thì nay cán bộ phải xem xét nên giải quyết như nào khi không còn cấp trung gian là cấp huyện.
Bà khẳng định, cán bộ ở lại phải tiếp tục nỗ lực để đáp ứng xu thế phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh TP.HCM rất cần đội ngũ cán bộ am hiểu về khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đáp ứng công việc của một đơn vị hành chính rộng lớn hơn. Với đội ngũ cán bộ tinh giản, bà Yến cho biết TP.HCM sẽ có sự hỗ trợ về tài chính, giới thiệu việc làm…