Cử tri TPHCM phản ánh vấn đề tiền lương, điều hành xăng dầu
Bày tỏ trước tổ đại biểu Quốc hội, cử tri cho rằng tiền lương cán bộ, công nhân viên chức hiện còn thấp trong khi chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn còn cao. 'Trước nhiều áp lực công việc đối với người lao động, kiến nghị Quốc hội có chính sách xem xét hỗ trợ để có thể chờ đợi đến ngày tăng lương cơ sở', cử tri nêu ý kiến.
Chiều 17/11, tổ đại biểu Quốc hội TPHCM – đơn vị số 3 gồm ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy và ông Lê Thanh Phong – Chánh án Tòa án nhân dân TPHCM, đã tiếp xúc cử tri các quận 5, 8, 11 sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Cử tri Trương Ngọc Phượng (phường 9, quận 5) bày tỏ sự phấn khởi khi Quốc hội vừa thông qua chính sách tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức từ tháng 7/2023. Tuy nhiên cử tri vẫn băn khoăn, lo lắng trước tình hình đời sống còn nhiều khó khăn hiện nay. Do đó cử tri này kiến nghị Quốc hội nên có lộ trình cải cách tiền lương phù hợp đời sống xã hội.
Cử tri Bùi Thị Tuyết Mai (phường 5, quận 8) đánh giá chính sách bình ổn giá cả thị trường vừa qua tạo được sự đồng tình và mang lại niềm vui cho người lao động. Dù vậy, cử tri này lo lắng "lương sắp tới tăng thì giá cả thị trường cũng tăng theo".
“Xem xét có giải pháp bình ổn giá cả thị trường thì mới giúp người lao động sớm ổn định đời sống”, cử tri Tuyết Mai trao đổi.
Bày tỏ sự đồng tình, cử tri Phạm Lý (phường 15, quận 8) cho rằng tiền lương cán bộ, công nhân viên chức hiện còn thấp, trong khi chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn còn cao.
“Trước nhiều áp lực công việc đối với người lao động, kiến nghị Quốc hội có chính sách xem xét hỗ trợ để người lao động có thể chờ đợi đến ngày được tăng lương”, cử tri Phạm Lý nêu ý kiến.
Nhiều kiến nghị về điều hành xăng dầu
Cử tri Trương Ngọc Sơn cho biết, từ tháng 10 đến nay tình hình xăng dầu trên cả nước và đặc biệt tại TPHCM diễn biến "nóng bỏng", ảnh hưởng tới người lao động. Dù nhà nước đã vào cuộc và có nhiều giải pháp bình ổn xăng dầu nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để. Cử tri Ngọc Sơn kiến nghị nhà nước cần tiếp tục tăng cường các giải pháp, tăng cường kiểm tra các cây xăng nhằm xử lý kịp thời các chiêu trò kinh doanh nếu có.
“Thấy các doanh nghiệp, người buôn than lỗ thì chúng tôi cũng đồng cảm, người dân chấp nhận tăng một, hai nghìn đồng, còn hơn có tiền mà không có xăng dùng”, cử tri này trao đổi.
Trong khi đó, cử tri Lương Lai (phường 15, quận 11) đề nghị nhà nước quản lý chặt chẽ, nắm chặt khâu nhập – xuất xăng dầu. “Nếu quản lý tốt sẽ tránh được các đơn vị găm hàng không bán và cũng là giải pháp ngăn chặn xăng dầu lậu”, ông nói.
Chia sẻ với các cử tri, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Phong - Chánh án Tòa án nhân dân TPHCM nhấn mạnh: Ngoài việc tăng lương cơ sở, lương hưu (trước năm 1995), năm 2023, Quốc hội cũng tăng gần 21% đối với chính sách an sinh xã hội. Cùng với đó, TPHCM cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu để bình ổn giá tiêu dùng, nhất là trong dịp cuối năm, với kỳ vọng sẽ sớm đảm bảo ổn định tình hình trong bối cảnh mức lạm phát toàn cầu tăng cao.
Trao đổi với cử tri các địa phương, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức cho biết việc nhân viên y tế nghỉ việc thời gian qua không phải chỉ vì lương thấp, mà còn bởi các nguyên nhân khác. “Lương chỉ là yếu tố nhỏ, ngoài ra nguyên nhân còn đến từ môi trường làm việc, do các trang thiết bị y tế dẫn đến bác sĩ không có cơ hội thể hiện các kiến thức khoa học. Do đó họ đã di chuyển sang khối bệnh viện tư”, BS. Thức nói và cho biết riêng tỷ lệ nghỉ việc ở Bệnh viện Chợ Rẫy chưa tới 2%.
Trả lời ý kiến của cử tri về việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, BS. Nguyễn Tri Thức cho biết sau dịch COVID-19, nguồn cung bị đứt gãy, chưa kể các thiết bị y tế hiện đại bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bởi xung đột Nga – Ukraine...