'Cử tri' trẻ em Bến Tre trăn trở về bạo lực học đường

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung bình một ngày có 5 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học trên toàn quốc và 1.600 - 1.800 vụ bạo lực học đường xảy ra mỗi năm.

"Cử tri" trẻ em Bến Tre nêu ý kiến về chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường” tại hội nghị chiều 12/9. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

"Cử tri" trẻ em Bến Tre nêu ý kiến về chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường” tại hội nghị chiều 12/9. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Chiều 12/9, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại cử tri trẻ em trước phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II – năm 2024 về chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường”.

Tại hội nghị, 7 “đại biểu Quốc hội” trẻ em tỉnh Bến Tre báo cáo với “cử tri” những nội dung đoàn đại biểu đã được tập huấn; thông tin những công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham dự phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”.

Gửi gắm đến đoàn đại biểu "Quốc hội trẻ em" tỉnh, “cử tri” của 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bến Tre nêu tâm tư, nguyện vọng; đề xuất những chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến 2 chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường”.

“Cử tri” Trần Thị Thùy Trâm – lớp 9/1, học sinh trường THCS Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách cho rằng, hiện nay bạo lực học đường đang xảy ra rất nhiều ở khắp các trường học, thậm chí là trên các nền tảng mạng xã hội. Bình quân, cứ 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường. Tính từ ngày 1/9/2021 đến ngày 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung bình một ngày có 5 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học trên toàn quốc và 1.600 - 1.800 vụ bạo lực học đường xảy ra mỗi năm.

“Đại biểu Quốc hội” trẻ em tỉnh Bến Tre thông tin với “cử tri” những công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham dự phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

“Đại biểu Quốc hội” trẻ em tỉnh Bến Tre thông tin với “cử tri” những công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham dự phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Nói về giải pháp, Trần Thị Thùy Trâm cho rằng, ngoài việc bản thân học sinh cần phải tích cực rèn luyện các kĩ năng trong trường, kĩ năng ứng phó bạo lực học đường, nhà trường cần có những hình phạt thật sự nghiêm khắc đối với những kẻ bắt nạt và hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực; Giáo viên cần quan tâm những học sinh trong lớp mình chủ nhiệm hơn, hỏi han riêng đối với những học sinh có dấu hiệu bị bạo lực học đường để có thể xử lí kịp thời. Đồng thời, các bậc phụ huynh cần có sự quan tâm đến con cái của mình hơn, có những phương pháp dạy con hợp lí hơn, thấu hiểu, tâm sự với con, dạy con cách đối xử hợp lí với bạn bè thầy cô để con mình không có những suy nghĩ gây hại với người và những kĩ năng ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra trong trường học.

Trước việc hút thuốc lá điện tử trong và ngoài trường học đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, “cử tri” Lê Thị Kim Ngân, trường Trung học cơ sở Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm đề xuất các ngành có liên quan cần quản lý chặt chẽ việc bán thuốc lá điện tử cho nhóm trẻ vị thành niên, cấm bán thuốc lá, thuốc lá điện tử ở khu vực quanh trường học. Gia đình cần phải giáo dục con em mình biết về tác hại của thuốc lá điện tử để học sinh chủ động phòng tránh; nhà trường cần có biện pháp xử lí nghiêm những tình trạng hút thuốc lá điện tử trong trường học. Không chỉ vậy, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ tư vấn tâm lý học đường, phát huy tinh thần, trách nhiệm của từng cá nhân trong việc nắm bắt tâm lý, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá điện tử của học sinh, đồng thời phối hợp giáo dục, định hướng các em nhận thức được tác hại đối với sức khỏe và tương lai, từ đó các em thay đổi hành vi theo những chuẩn mực tốt đẹp.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi đánh giá cao hoạt động tiếp xúc cử tri của các “đại biểu Quốc hội” trẻ em tỉnh Bến Tre. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi đánh giá cao hoạt động tiếp xúc cử tri của các “đại biểu Quốc hội” trẻ em tỉnh Bến Tre. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi đánh giá cao hoạt động tiếp xúc cử tri của các “đại biểu Quốc hội” trẻ em tỉnh Bến Tre. Để chuẩn bị cho phiên họp giả định lần thứ hai, bà Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị các “đại biểu Quốc hội” trẻ em của tỉnh nên có sự chia sẻ, hỗ trợ, chuẩn bị các nội dung để phát huy trí tuệ tập thể; đồng thời, Hội đồng đội tỉnh Bến Tre có thể hỗ trợ các "đại biểu" có thêm các số liệu cụ thể, hình ảnh minh họa để bổ sung vào nội dung phát biểu để tăng tính thuyết phục khi nêu ý kiến tại nghị trường.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh

Bến Tre

căn dặn, phát biểu ý kiến tại nghị trường Quốc hội là quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, cho nên các “đại biểu” trẻ em phải có sự chủ động, tích cực và tâm huyết để đưa ra các giải pháp cụ thể, khả thi và hiệu quả, hướng tới phòng chống bạo lực học đường, tác hại của thuốc lá, chất kích thích nhằm tạo môi trường học tập an toàn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện.

Chương Đài/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cu-tri-tre-em-ben-tre-tran-tro-ve-bao-luc-hoc-duong/346902.html