Trình độ ngoại ngữ SV không đều khiến khó dạy chương trình bằng tiếng nước ngoài
Song song với chuyên môn dạy học, giảng viên ở tất cả các ngành cần nâng cao khả năng ngoại ngữ, để đáp ứng dạy và học bằng tiếng nước ngoài.
Sau 10 năm thực hiện Quyết định 72/2014/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác, đã cho thấy cả những ưu điểm và hạn chế trong thực tiễn triển khai tại các cơ sở giáo dục đại học.
Do đó, Bộ Giáo dục Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các Bộ, ngành liên quan, xây dựng dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Quan tâm về vấn đề này, đại diện của một số trường đại học đã có những ý kiến đóng góp.
Khi trình độ ngoại ngữ không đều, rất khó để tất cả sinh viên học chung một chương trình dạy bằng tiếng nước ngoài
Để tiến tới triển khai dạy và học chương trình trong các cơ sở giáo dục bằng tiếng nước ngoài, khả năng ngoại ngữ của sinh viên cũng phải được chú trọng và trình độ ít nhiều có sự đồng đều.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, thực tế hiện nay, trình độ ngoại ngữ của sinh viên còn có sự chênh lệch, thể hiện rõ trong các kỳ thi kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào ngoại ngữ của tân sinh viên được tổ chức hằng năm. Khi trình độ ngoại ngữ đầu vào không đều, rất khó để tất cả sinh viên có thể học chung một chương trình dạy bằng tiếng nước ngoài.
Chính vì vậy, Tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang cho rằng, việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài ở phổ thông phải được cải tiến, tăng cường giúp các trường đại học bớt khó khăn khi giảng dạy các học phần ngoại ngữ.
Thầy Khang cũng đánh giá: “Điều này cũng đã được thể hiện rất rõ ràng trong dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục, với quy định rất cụ thể về nhiệm vụ, yêu cầu của từng cấp học”.
Bên cạnh đó, theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, có đề cập đến nhiệm vụ: “Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giới...”.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng nhìn nhận, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên, trong đó từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là một vấn đề quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập tại các cơ sở giáo dục, từng bước hội nhập sâu rộng giáo dục đại học với khu vực và thế giới.
Thầy Hiếu cho rằng, năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên đang tiệm cận dần với các chuẩn năng lực và đạt được các chứng chỉ quốc tế. Tỉ lệ học sinh, sinh viên có khả năng sử dụng ngoại ngữ nói chung, và tiếng Anh nói riêng trong học tập ngày càng có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, xét trên phương diện tổng thể, việc dần đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, cần có sự đầu tư rất lớn, như đầu tư về cơ sở vật chất, xây dựng chương trình, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên giảng dạy, tổ chức bồi dưỡng đánh giá, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho học sinh, sinh viên.
Do đó, nếu không có sự đầu tư đầy đủ, toàn diện với một chiến lược phù hợp, thì việc triển khai sẽ gặp nhiều thách thức, ảnh hưởng đến mục tiêu đã xác định.
Khó khăn lớn nhất trong việc hợp tác với các cơ sở giáo dục tiên tiến trên thế giới là sự chênh lệch trong trình độ và các phương diện khác giữa các cơ sở giáo dục của nước ta với các cơ sở giáo dục trên thế giới. Điều này ảnh hưởng đến việc tìm kiếm điểm chung trong liên kết, hợp tác.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các chương trình liên kết được cấp song bằng, hoặc bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục nước ngoài, các cơ sở giáo dục đại học cũng như người học gặp khó khăn trong việc công nhận văn bằng theo quy định của Việt Nam.
“Để đảm bảo quyền lợi cho người học, cũng như giúp các cơ sở giáo dục đại học thuận lợi hơn trong việc thực hiện công nhận văn bằng các chương trình đào tạo bằng ngoại ngữ, cần bổ sung các quy định chi tiết hơn về điều kiện, quy trình và các hướng dẫn cụ thể để thực hiện việc công nhận phù hợp với đặc thù của chương trình giảng dạy này tại Việt Nam” - thầy Hiếu bày tỏ.
Theo dự thảo, tại khoản 2, Điều 7. Kiểm tra, thi, đánh giá, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ có nêu: Đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, việc kiểm tra, thi, đánh giá, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ đối với tất cả các môn học được dạy và học bằng tiếng nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Về phía Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Đỗ Thanh Hương nêu một khó khăn khác trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ: “Trường chưa xây dựng được ngân hàng đề thi môn Tiếng Anh. Giáo viên dạy ngoại ngữ đã đạt chuẩn trình độ theo quy định, nhưng Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục của trường chưa có cán bộ chuyên trách về khảo thí ngoại ngữ”.
Để khắc phục điều này, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, đề thi đánh giá năng lực ngoại ngữ; ngân hàng dữ liệu về kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ (thông tin và các nội dung hỗ trợ kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ) và tập huấn bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách về khảo thí ngoại ngữ.
Tất cả giảng viên ở các ngành/chương trình cần nâng cao khả năng ngoại ngữ
Về quy định năng lực ngoại ngữ tối thiểu của giảng viên đại học, từ Quyết định 72/2014/QĐ-TTg cách đây 10 năm đã quy định “Người dạy tại các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương”.
Tiếp nối tinh thần Quyết định 72/2014/QĐ-TTg, quy định này vẫn được giữ nguyên trong dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục. Cụ thể, tại điểm b, khoản 1, Điều 5 của dự thảo có nêu: Giảng viên dạy tại các cơ sở giáo dục đại học phải có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của chương trình, nhưng không thấp hơn trình độ bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Ngoài việc ưu tiên tuyển dụng các giảng viên có trình độ ngoại ngữ, thì việc tăng cường hỗ trợ hoặc có các chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên đi học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ.
Tất cả giảng viên ở tất cả các ngành, các chương trình cần bỏ thêm nhiều thời gian để nâng cao khả năng ngoại ngữ, song song với chuyên môn dạy học.
Các Bộ, ngành cần có thêm nhiều đề án để phát triển năng lực ngoại ngữ cho giảng viên, tương tự như Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” trước đây”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng có đội ngũ giảng viên tốt nghiệp từ nhiều quốc gia trên thế giới. Các giảng viên thực hiện luận án tiến sĩ bằng nhiều ngoại ngữ khác nhau như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Hàn, tiếng Nhật.
Việc có đội ngũ giảng viên có trình độ ngoại ngữ đa dạng đã tạo ra được sự thuận lợi nhất định cho nhà trường trong công tác hợp tác quốc tế, đặc biệt là việc giảng dạy cho sinh viên đến từ 22 quốc gia trong các chương trình liên kết, chương trình tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
Từ thực tế đó, lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho rằng: “Việc tăng cường chính sách cho giảng viên để giảng dạy các học phần/môn học bằng tiếng nước ngoài là cần thiết, đáp ứng được nhiều yêu cầu của cơ sở giáo dục đại học hiện nay.
Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho các giảng viên, từ đó, không chỉ giúp cho giảng viên có đủ năng lực về một ngoại ngữ cụ thể phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu, mà còn là điều kiện để các giảng viên đó sử dụng ngôn ngữ như là một công cụ để kết nối, xây dựng mạng lưới học thuật, công bố khoa học, thực hiện các dự án với các nhà khoa học trên thế giới.
Giảng viên có năng lực ngoại ngữ sẽ thực hiện các bài giảng trong các học phần/một phần của học phần/một phần chương trình đào tạo với sự tham gia của sinh viên Việt Nam. Điều này sẽ giúp người học nâng cao chuyên môn, đặc biệt là vốn ngoại ngữ chuyên ngành.
Sự tham gia của đội ngũ giảng viên tại cơ sở giáo dục trong việc giảng dạy các chương trình đào tạo quốc tế, các chương trình bằng ngoại ngữ, là cơ sở cải thiện vị thế xếp hạng, uy tín khoa học, quảng bá thương hiệu của cơ sở giáo dục đại học trong cộng đồng quốc tế”.
“Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương này, các cơ sở giáo dục đại học cần xác định được thế mạnh về đội ngũ có thể bồi dưỡng ngoại ngữ, các đối tác tiềm năng và việc sử dụng ngôn ngữ trong hợp tác với các đối tác, tiềm lực của cơ sở giáo dục cũng như có lộ trình chính sách hợp lý” - thầy Hiếu chia sẻ thêm.
Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy ngoại ngữ
Tại khoản 3, Điều 6 của dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục có đề cập nội dung: Khuyến khích ứng dụng công nghệ, phát triển hệ thống tài liệu điện tử trong dạy và học bằng tiếng nước ngoài.
Để sử dụng tối đa tiềm năng của công nghệ thông tin, Tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang cho biết, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng giáo trình điện tử trong việc đánh giá quá trình học tập, tạo đề thi.
Giảng viên giao bài tập luyện thêm cho sinh viên trên website của giáo trình quốc tế, có hệ thống chấm điểm tự động và cho phản hồi giúp người học phát huy khả năng tự học, nhận biết lỗi sai dựa trên phần giải thích lỗi.
Giảng viên cũng có thể sử dụng Presentation tools để tiết kiệm nguồn lực trong việc soạn bài, ra đề và chấm điểm quá trình.
Sinh viên có thể tải các tạp chí, e-book chuyên ngành phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong thư viện số của nhà trường.