Cú trượt dài của cổ phiếu Thép Pomina (POM), bao giờ thì hết lỗ?
Kết quả kinh doanh Quý 1/2024 của CTCP Thép Pomina (POM) tiếp tục ghi nhận thua lỗ. Giá cổ phiếu đã về đáy chưa từng có trong lịch sử.
Quý 1/2024 lỗ thêm 225 tỷ đồng
Một trong những ông lớn trong ngành thép Việt Nam được quan tâm nhất năm vừa qua là CTCP Thép Pomina (Mã POM). Trong Quý 1/2024 vừa qua, Thép Pomina đã tiếp tục ghi nhận kết quả kém khả quan, đánh dấu quý thứ 7 liên tiếp thua lỗ của công ty.
Cụ thể, trong Quý 1/2024 Thép Pomina đạt doanh thu 471,4 tỷ đồng, giảm 71,3% so với cùng kỳ. Tình trạng kinh doanh dưới giá vốn đã tiếp diễn trở lại khiến lợi nhuận gộp của công ty âm 6,5 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm xuống còn 8 tỷ đồng, tương ứng giảm 33,7%. Trong khi đó chi phí tài chính lại gia tăng lên 145,7 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 82,6%. Điều này đã tạo thêm gánh nặng chi phí tài chính cho công ty trong bối cảnh lợi nhuận gộp còn đang âm.
Chi phí bán hàng không giảm mà tăng hơn gấp rưỡi, lên 3,7 tỷ đồng. Chi phí quản ý doanh nghiệp giảm từ 71 tỷ xuống còn 55,2 tỷ đông, tương ứng giảm 28,6%. Các chi phí khác biến động không đáng kể.
Sau khi trừ đi hết các chi phí và thuế, Thép Pomina báo lỗ 225 tỷ đồng, tăng hơn 20,5% so với khoản lỗ cùng kỳ năm trước.
Lý giải về kết quả đáng thất vọng này, công ty cho biết nhà máy thép Pomina 3 và Pomina 1 vẫn đang ngưng hoạt động nhưng chi phí quản lý và chi phí lãi vay vẫn phải trả. Trong đó chi phí lãi vay đang là gánh nặng lớn nhất gây thua lỗ dù nhà máy ngưng hoạt động. Công ty đang tìm kiếm nhà đầu tư để trái cấu trúc nhằm sản xuất lại trong thời gian sớm nhất có thể.
Cú trượt dài thua lỗ của POM
Nếu tính cả Quý 1/2024 thì Thép Pomina đã trải qua Quý thứ 7 thua lỗ liên tiếp. Tính từ Quý 2/2022 trở lại đây, công ty liên tục phải kinh doanh trong tình trạng dưới giá vốn, đồng nghĩa càng sản xuất, kinh doanh thì càng thua lỗ.
Trong đó nặng nề nhất tại Quý 3/2022, POM báo lỗ gộp 577,9 tỷ đồng, tính thêm cả các chi phí hoạt động, POM lỗ sau thuế 715,6 tỷ cho riêng quý này. Tại Quý 4/2023, dù tình trạng kinh doanh dưới giá vốn đã tạm kết thúc nhưng công ty vẫn lỗ sau thuế 313,5 tỷ đồng do chi phí quản lý cùng lãi vay đè nặng.
Cú trượt dài thua lỗ của Thép Pomina đã đồng thời kéo giá cổ phiếu POM về đáy thấp nhất trong lịch sử. Từ ngưỡng trên dưới 10.000 đồng/cổ phiếu tại đầu năm 2022, POM đã liên tiếp mất giá và duy trì quanh ngưỡng 5.000 đồng/cổ phiếu suốt năm 2023.
Trong những tháng cuối năm 2023, đầu 2024 người nhà của chủ tịch HĐQT thép Pomina liên tục có động thái bán tháo cổ phiếu POM khiến thị giá cổ phiếu vốn đã ảm đạm lại càng giảm sâu.
Tại phiên ngày 3/5/2024, mã POM đang ghi nhận ở mức giá 2.660 đồng/cổ phiếu, giảm còn 1/3 so với đỉnh từng đạt hồi tháng 6/2023.
Vốn chủ bị "thổi bay" gần hết
Tình trạng kinh doanh thua lỗ liên tục của Thép Pomina khiến cho cơ cấu tài sản của đơn vị cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tại cuối Quý 1/2024, tổng tài sản đạt 10.075,5 tỷ đồng nhưng lượng tiền mặt chỉ còn hơn 6 tỷ.
Phần lớn tài sản công ty nằm ở dạng tài sản dài hạn, cụ thể là tài sản dở dang dài hạn. Trong đó chiếm tới 5.825 tỷ đồng là chi phí xây dựng dự án lò cao và lò EAF. Bao gồm cả chi phí mua sắm thiết bị và xây dựng lò cao, lò EAF luyện phôi thép công suất 1 triệu tấn/năm tại KCN Phú Mỹ.
Chỉ riêng phần chi phí xây dựng dở dang này đã ngốn hơn một nửa tài sản của công ty và cao gấp 5 lần vốn chủ còn lại hiện tại. Trên thực tế, lò cao của POM cũng đã phải dừng hoạt động từ cuối 2022 và vẫn chưa thể khởi động trở lại.
Việc "đốt" nguồn vốn cho hoạt động xây dựng dài hạn của POM lại sử dụng nguồn vốn vay ngắn hạn. Nợ vay ngắn hạn chiếm tới 5.306,9 tỷ đồng. Với sự mất cân đối về nguồn vốn này, không quá khó hiểu khi POM gặp vấn đề với khả năng cân đối chi phí lãi vay.
Đồng thời việc thua lỗ nặng đã khiến vốn chủ của công ty bị bào mòn gần hết. Tại cuối Quý 1/2024 vốn chủ chỉ còn 1.168,6 tỷ đồng, tương đương 58% vốn chủ đã bị "thổi bay".
Ngoài ra, những khoản nợ với người bán, nợ lương người lao động cùng các chi phí phải trả khác khiến tổng nợ phải trả lên tới 8.906,9 tỷ đồng, cao gấp 7,6 lần vốn chủ.