'Cú trượt dài' từ vụ Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs - Bài học với người nổi tiếng

Từ biểu tượng của vẻ đẹp, thiện nguyện và sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục đã bất ngờ 'trượt dài' trên chính hình ảnh do họ dày công xây dựng.

Khi người nổi tiếng quên mất ranh giới

Theo điều tra của Bộ Công an, sản phẩm kẹo rau củ Kera do Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt được nhiều KOLs tham gia quảng cáo, bán ra thị trường hơn 135.000 hộp với tổng doanh thu gần 18 tỷ đồng. Trong đó, riêng Hoa hậu Thùy Tiên được hưởng gần 7 tỷ đồng tiền hoa hồng. Sản phẩm được quảng bá như một loại kẹo bổ sung rau xanh tự nhiên, có thể thay thế rau thật, dù không có bất kỳ kiểm chứng khoa học hay chứng nhận chuyên môn nào.

Hoa hậu Thùy Tiên và Quang Linh Vlogs bị khởi tố liên quan đến kẹo rau củ Kera.

Hoa hậu Thùy Tiên và Quang Linh Vlogs bị khởi tố liên quan đến kẹo rau củ Kera.

Sự thật chỉ được phơi bày khi một TikToker có tên là "Sư tử ăn chay" (Quách Thanh Lâm) đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm và phát hiện sai phạm. Cơ quan Công an sau đó đã khởi tố nhiều bị can, gồm cả Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục về tội "Sản xuất hàng giả là thực phẩm" và "Lừa dối khách hàng".

Thùy Tiên từng là Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021 - hình ảnh đại diện cho sắc đẹp và lòng nhân ái. Quang Linh Vlogs từng nổi tiếng với chuỗi video thiện nguyện tại châu Phi, nhận được sự yêu mến của cộng đồng mạng vì truyền cảm hứng sống đẹp. Nhưng sự dễ dãi trong lựa chọn sản phẩm quảng bá đã khiến cả ba đánh mất danh tiếng chỉ sau một thời gian ngắn.

Luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Nhiều nghệ sĩ, KOLs vẫn nghĩ quảng cáo là công việc đơn giản, không cần chịu trách nhiệm. Đó là quan niệm sai lầm. Nếu nhận tiền quảng cáo cho sản phẩm gây hại, họ hoàn toàn có thể bị xử lý theo luật".

Bài học từ vụ Kera là minh chứng rõ ràng: người nổi tiếng không thể sống ngoài pháp luật. Họ không chỉ có trách nhiệm đạo đức mà còn phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu sử dụng danh tiếng để tiếp tay cho sai phạm. Những lời biện minh như "chỉ là quảng cáo thuê" hay "không biết rõ chất lượng sản phẩm" không còn là lý do để né tránh trách nhiệm.

Trách nhiệm không chỉ thuộc người nổi tiếng

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh, việc kiểm soát quảng cáo sai sự thật trên nền tảng số trở nên rất cấp thiết. Nhưng trách nhiệm thuộc cả hệ thống: doanh nghiệp, cơ quan kiểm duyệt quảng cáo và cả cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho rằng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về ATTP. Cần tiếp tục rà soát, đánh giá và kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ATTP và cần đảm bảo nguyên tắc quản lý xuyên suốt toàn bộ quá trình từ sản xuất, chế biến, vận chuyển, kinh doanh đến tay người tiêu dùng.

Từ vụ kẹo Kera đến các sản phẩm thuốc trị bệnh "trăm công dụng", sữa giả, thực phẩm chức năng làm trắng da... ngày càng nhiều người nổi tiếng bị tố tiếp tay cho sản phẩm sai phạm. Vụ việc của Thùy Tiên và Quang Linh Vlogs chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/cu-truot-dai-tu-vu-thuy-tien-quang-linh-vlogs-bai-hoc-voi-nguoi-noi-tieng-i769088/