Cú 'trượt ngã' nhớ đời của cô giáo tiểu học xinh đẹp
Hơn chục năm trong trại cải tạo, phạm nhân Phạm Thị Vịnh, SN 1973, trú tại Hiệp Hòa, Bắc Giang đã lao động cải tạo luôn đạt thành tích khá, tốt. Trước khi vào tù, Vịnh từng là cô giáo, nhưng vì ham làm giầu, cô đã trượt dài trong nợ nần và rồi phải đối diện với bản án chung thân...
Giấc mộng làm giàu bị tan biến sau cơn vỡ bong bóng bất động sản
Đang cải tạo ở trại giam Ngọc Lý (Bộ Công an), phạm nhân Phạm Thị Vịnh, SN 1973, trú tại Hiệp Hòa, Bắc Giang bảo rằng luôn cảm thấy day dứt khi nghĩ đến chồng và 2 con. Bởi lỗi lầm cô gây ra đã khiến cho những người thân yêu nhất của mình phải khổ sở. Nhưng trong hoàn cảnh cùng cực ấy, gia đình lại luôn là điểm tựa, là động lực để cho Vịnh phấn đấu, quay về.
Dáng người thanh mảnh, gần 50 tuổi song nữ phạm nhân Phạm Thị Vịnh vẫn giữ được nước da tươi tắn. Vịnh đang cải tạo bản án chung thân ở trại giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tâm sự với chúng tôi, phạm nhân Phạm Thị Vịnh cho biết, trước khi vào trại cải tạo, Vịnh là một cô giáo tiểu học, nổi tiếng xinh đẹp và biết ăn diện. Thế nhưng, vì ham làm giàu, Vịnh đã bươn ra thị trường để rồi vốn liếng không có, cô phải đi vay mượn. Nhưng tiền lãi của việc làm ăn chưa thấy đâu mà tiền lãi trả nợ người cho Vịnh vay thì cứ hết tháng họ lại lấy, khiến cho công việc làm ăn của cô bị lao đao.
Theo lời phạm nhân Phạm Thị Vịnh thì ngoài giờ đi dạy, cô đã học hỏi tìm tòi cách làm về kinh doanh vận tải hành khách và nhanh chóng mở Cty làm về taxi. Thấy những người bạn cận kề làm ăn phát đạt, cô cứ nghĩ mình chỉ cần chăm chỉ làm là có thể thắng. “Tuy nhiên, tôi lại không có vốn nên phải đi vay của mọi người với lãi suất cao”, nữ phạm nhân Phạm Thị Vịnh tâm sự.
Cũng theo tâm sự của Vịnh thì để có vốn làm ăn, cô phải huy động từ nhiều phía, phải vay ngân hàng, huy động vốn từ anh em, bạn bè và cả vay lãi ngoài. Công việc đang làm ăn thuận lợi thì bỗng dưng những người cho vay đồng loạt đòi tiền. Mặc dù Vịnh liên tục tăng lãi suất song vẫn không làm cho người đưa tiền yên tâm.
Họ dứt khoát đòi tiền về khiến Vịnh mất khả năng thanh toán. Theo đó, cuối năm 2009, thời điểm giá nhà đất bỗng nhiên sụt giảm nghiêm trọng sau một thời gian tăng giá. Nhiều chủ hụi vỡ nợ, trốn nợ khiến dân tình lao đao. Phản ứng dây chuyền ấy khiến những người cho Vịnh vay tiền lo sợ nên đồng loạt đòi rút vốn. Đứng trước tình cảnh Cty đang làm ăn có lãi, mình lại bỏ bao công sức mới gây dựng được thương hiệu nên tôi cố co kéo.
Vịnh bảo rằng cô đã vay chỗ nọ, vá víu chỗ kia, lãi suất không ngừng tăng để giữ chân người cho mượn. Tuy nhiên chỉ kéo được một thời gian ngắn và công ty đứng trước tình cảnh không còn đủ khả năng thanh toán.
Vịnh đã nói thật với chồng và bán hết nhà cửa, tài sản để trả nợ nhưng cũng không đủ. Vì vậy, Phạm Thị Vịnh đã phải vướng vào lao lý và phải hầu tòa với số tiền còn nợ là gần 9 tỷ đồng. Với số tiền này, Vịnh bị kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, án phạt chung thân.
Mong sớm trở về trả nợ cho người thân
Hơn chục năm sống trong trại giam, phạm nhân Phạm Thị Vịnh bảo rằng mình đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ ân hận, xót xa cho hoàn cảnh của mình cho đến nhớ nghề, nhớ gia đình và thấy có lỗi với người thân. Day dứt nhất của Vịnh chính là người chồng và hai đứa con. Thời điểm Vịnh bị bắt, chồng cô đang có cơ hội thăng tiến về công việc nhưng cũng đành bỏ dở.
Không những thế, những ngày sau này, anh còn chịu rất nhiều áp lực từ những việc làm do vợ gây ra. Nhà cửa, đất đai bán sạch sẽ để trả nợ thay cho vợ, anh phải đi ở nhờ nhà anh chị mà cũng không được yên. Qua nhiều kênh thông tin mà Vịnh biết được chồng nhiều lúc cũng lao đao vì nợ nần của vợ và cũng mường tượng được cuộc sống của chồng, của con bĩ cực đến thế nào.
Vậy mà hơn chục năm qua, chưa bao giờ chồng và các con bỏ rơi Vịnh. Họ luôn dành thời gian để lên thăm, tiếp tế cho Vịnh và dành tình cảm ôn hòa để động viên cô cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình.
Trong câu chuyện, Vịnh bảo mình là người khao khát được làm giàu, mặc dù thời điểm đó chồng có khuyên can, nhưng vì tính bướng bỉnh mà cô vẫn cứ làm liều. Khi vay nợ đến đỉnh điểm, cũng vì tính sỹ diện và cũng vì uy tín của công ty, của thương hiệu bao năm mới gây dựng được nên Vịnh đã mạo hiểm.
Nhắc đến tiền nợ, Vịnh bảo “chuyện đã xảy ra rồi và để sau này ra trại mới tính tiếp được”, song chị ta vẫn không thôi day dứt bởi người cho vay tiền đều là người quen biết, cũng chỉ vì tin tưởng mà cho Vịnh vay tiền. Nhưng giờ chuyện đã rồi, chỉ chờ đến khi Vịnh ra trại, làm lại cuộc đời, thì mới có thể tiếp tục trả món nợ đó.
Hơn chục năm cải tạo, do quyết tâm phục thiện nên năm nào Vịnh cũng được xếp loại khá. Ngoài thời gian lao động ở xưởng điện tử, xưởng may, Vịnh còn rất tích cực tham gia vào các phong trào văn hóa, văn nghệ của trại giam. Đó là các cuộc thi cắm hoa, thi nấu nướng, thi làm báo tường, đến diễn kịch, làm tiểu phẩm ,…do trại tổ chức, Vịnh đều nhiệt tình tham gia.
Bên cạnh đó, có thời gian cô còn tham gia vào lớp xóa mù chữ trong trại giam. Vịnh bảo mỗi lần được đứng lớp, cô cũng vơi bớt nỗi nhớ nghề.
“Nhưng những lần đứng lớp ấy, tôi lại càng nhớ lũ trẻ, nhớ những ngày tháng bình yên bên gia đình và các con. Dù rất ân hận, nhưng giờ tôi không thể làm khác. Vì vậy, tôi đã cố gắng lao động chăm chỉ, tham gia vào các hoạt động bề nổi của trại giam, để quên đi những ưu phiền. Với tôi giờ đây, mục tiêu duy nhất là sớm trở về với gia đình để hoàn thành những công việc còn đang dang dở...”, phạm nhân Phạm Thị Vịnh tâm sự thêm.