Cửa hàng thời trang đồng loạt giảm giá sâu, người tiêu dùng có thực sự hưởng lợi?
Hầu hết, các sản phẩm được giảm giá sâu chủ yếu đã từng qua sử dụng, sản phẩm lỗi, cũ, kém chất lượng hoặc các cửa hàng áp dụng 'chiêu' nâng giá cao để giảm giá sâu.
Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2019 với chủ đề "Tiêu dùng 4.0" bắt đầu được phát động từ ngày 1/11/2019. Đây được coi là thời điểm "vàng" để người tiêu dùng Thủ đô mua sắm.
Ghi nhận của PV tại phố Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc (quận Đống Đa), Hội Vũ, Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm),... các cửa hàng thời trang tại đây đều treo biển giảm giá tư 30-70%.
Tuy nhiên, ghi nhận của PV, bên cạnh những khách hàng cảm thấy thỏa mãn thì cũng có không ít khách hàng lắc đầu bỏ đi.
Nắm bắt được thời điểm giảm giá của các cửa hàng thời trang nên chị Nguyễn Thị Hương (33 tuổi, ở Thanh Xuân) thường xuyên theo dõi trên fanpage của các cửa hàng để biết các chương trình khuyến mại.
Chị Hương cho biết: "Các cửa hàng thời trang có mức giá bán bình dân gần như thường xuyên tung chương trình khuyến mại. Tháng 11, vừa là tháng khuyến mại, vừa là giao mùa và ngày Black Friday (Ngày thứ 6 đen tối) nên các cửa hàng thời trang đều giảm giá. Tuy nhiên, những mặt hàng nằm trong danh sách giảm giá chủ yếu là hàng đã cũ, lỗi mốt hoặc kém chất lượng. Tại cửa hàng thời trang Koka ở số 344 Cầu Giấy treo biển giảm giá đến 70% nhưng hầu hết, những hàng này đều là váy, đầm mùa hè có size lớn hoặc size quá nhỏ".
"Không chỉ vậy, ở hàng này cũng bày bán cả giầy bị lỗi, cũ, thậm chí hỏng với giá 50.000 đồng. Tôi không hiểu hành động này của cửa hàng nhưng cá nhân tôi cho rằng, bày bán những sản phẩm đã cũ hỏng thì không nên. Chủ cửa hàng sử dụng cách kích cầu người tiêu dùng như thế này chưa thực sự trung thực", chị Hương thẳng thắn.
Cũng theo chị Hương, về mặt hàng thời trang nữ, mặc dù nhân viên bán hàng đều giới thiệu là hàng sản xuất tại Việt Nam, gắn "made in Viet Nam" nhưng trên mỗi sản phẩm bán ở cửa hàng Koka, đều gắn thêm các thương hiệu thời trang thế giới nhưng Mango, Zara,...
"Một đằng thì gắn mác thương hiệu thời trang quốc tế, một đằng lại "made in Viet Nam" và giá bán ra chỉ dao động từ khoảng 200.000-450.000 đồng khiến tôi nghi ngờ xuất xứ các sản phẩm tại cửa hàng Koka. Bởi lẽ, sản phẩm thương hiệu thế giới như Mango thì giá luôn dao động từ 900.000-1.200.000 đồng/sản phẩm", chị Hương thẳng thắn.
Từ thực tế trên, chị Hương cho rằng, những sản phẩm hàng hóa nằm trong danh sách khuyến mại thông qua các chương trình "tri ân khách hàng" đều may rủi. Bởi hàng giảm giá đều đã kém chất lượng, hoặc lỗi và cũ. Trong khi đó, những sản phẩm mới lại không nằm trong danh mục khuyến mại.
Chính vì vậy, với kinh nghiệm mua hàng thời trang của mình, chị Hương cho rằng, các chương trình khuyến mại được tung ra chủ yếu nhằm tạo sự chú ý khách hàng, chưa chắc người tiêu dùng đã được hưởng lợi từ những chương trình khuyến mại này. Vì vậy, người tiêu dùng cần tỉnh táo, tham khảo, xem xét sản phẩm trước khi quyết định cuối cùng.
Ngày 13/11, trao đổi với PV, chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội khẳng định: "Đây là hành vi lừa dối người tiêu dùng. Ở đâu ra một sản phẩm thời trang vừa mang thương hiệu quốc tế lại vừa "made in Viet Nam"? Nếu sản phẩm đã "made in Viet Nam" thì luôn gắn một thương hiệu do người Việt tạo nên. Còn sản phẩm đã mang thương hiệu thế giới thì chắc chắn sẽ không có mức giá bình dân cho người tiêu dùng".
Cũng theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, người tiêu dùng có thể xác thực hiện tượng này bằng cách mang chính sản phẩm gắn thương hiệu Mango lên showroom thời trang Mango ở các trung tâm thương mại để kiểm tra lại thiết kế, giá thành sản phẩm. Thương hiệu thời trang quốc tế đang hiện hữu rất nhiều tại Việt Nam, nên người tiêu dùng hoàn toàn có thể tự kiểm tra tính pháp lý của sản phẩm.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, tất cả các sản phẩm khuyến mại đều phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước là Sở Công Thương và qua các khâu kiểm soát.
(Theo Gia đình & Xã hội)