Cửa hàng xăng dầu đóng cửa, nghỉ bán sớm: Nguồn cung có đảm bảo?
Thống kê từ cơ quan thuế, trong quý 1 năm nay, cả nước có 1.065 cửa hàng xăng dầu (cây xăng) ngưng hoạt động. Riêng tại TPHCM, theo Sở Công thương, 8 tháng đầu năm có 34 cây xăng đóng cửa.
Tạm ngưng để… sửa chữa
Tối 3-9, anh Lê Minh Hân (ngụ tại quốc lộ 1A, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TPHCM) chở gia đình đến một trung tâm thương mại trên địa bàn quận Tân Phú để mua sắm dịp lễ. Khi đang chạy trên quốc lộ 1A, đoạn qua gầm cầu vượt Quang Trung thì xe hết xăng.
“Tôi biết cách khoảng vài trăm mét có cây xăng Z11 đang hoạt động nên cũng không lo nhiều. Không ngờ khi tới nơi thì cây xăng treo biển tạm ngưng hoạt động để sửa chữa. Vậy là đành dắt bộ cả cây số tìm cây xăng khác”, anh Hân tâm sự.
Tương tự, chị Huỳnh Ngọc Hoa (ngụ đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TPHCM) đi làm vào dịp nghỉ lễ 2-9 theo hướng từ quận 12 về cầu vượt Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp, TPHCM) cũng bị lỡ chỗ đổ xăng vì cây xăng đóng cửa, tạm ngưng hoạt động. Theo chị Hoa, dọc trục đường đoạn từ chân cầu vượt Quang Trung hướng về cầu vượt Nguyễn Kiệm trước đây có 2 cây xăng khá đông khách là Saigon Petro và Cửa hàng xăng dầu số 7, nhưng nay đều tạm ngưng hoạt động.
Không chỉ tạm ngưng bán hàng, nhiều cây xăng cũng nghỉ bán sớm, khiến người dân, du khách nếu chủ quan theo thói quen về những địa điểm có cây xăng rất dễ rơi vào cảnh... đẩy xe, dắt bộ! Điển hình như cây xăng trên đường Đông Bắc (đoạn giao với đường Tô Ký, quận 12, TPHCM), hay như cây xăng tọa lạc trước cổng Trường Quân sự Quân khu 7, cây xăng tại khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh, TPHCM) ngưng bán vào ban đêm.
Chia sẻ về nguyên do tạm ngưng hoạt động, một số chủ cây xăng trên địa bàn TPHCM cho biết do kinh doanh thua lỗ. “Chiết khấu của doanh nghiệp đầu mối cho các nhà phân phối (thời điểm diễn ra dịch bệnh) rất thấp, thậm chí không có chiết khấu nên doanh nghiệp không trụ nổi. Thậm chí một số cây xăng phải rao bán để trả nợ ngân hàng”, một chủ cây xăng cho biết. Theo giới kinh doanh xăng dầu, tình hình ảm đạm hơn khi mới đây Bộ Công thương thông tin về việc thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của 16 doanh nghiệp tại Hà Nội, TPHCM, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Nam... theo nguyện vọng xin hoàn lại giấy phép của doanh nghiệp!
Theo Sở Công thương TPHCM, các cây xăng tạm ngưng hoạt động là do giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ hết hạn đang thực hiện cấp lại, tạm ngưng sửa chữa, hoặc có những đơn vị chưa được cấp lại do không đảm bảo đủ điều kiện, trong đó chủ yếu liên quan đến chứng minh quyền sở hữu cửa hàng xăng dầu hoặc thuê với thời hạn 5 năm trở lên… Tuy nhiên, với số lượng cửa hàng đang tạm ngưng kinh doanh nói trên sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng xăng dầu trên địa bàn TPHCM.
Không lo thiếu hụt
Trao đổi với PV Báo SGGP, đại diện Petrolimex (đơn vị dẫn đầu với khoảng 50% thị phần cùng 5.500 cây xăng trên toàn quốc), khẳng định, đủ sức cung ứng nhiên liệu xăng dầu trên thị trường. Người tiêu dùng hoàn toàn không lo thiếu hụt nguồn cung. Còn ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), thông tin, đơn vị có nguồn cung xăng dầu dồi dào bởi đã ký hợp đồng mua xăng dầu từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước, cùng với nguồn hàng nhập khẩu và pha chế, đáp ứng nhu cầu của hệ thống. Thời gian gần đây, mức chiết khấu cho các thương nhân phân phối luôn duy trì ở mức 900-1.500 đồng/lít xăng, dầu, cá biệt có những thời điểm đã lên tới 2.000 đồng/lít.
Trong khi đó, thống kê từ Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, số lượng cây xăng đóng cửa chỉ chiếm khoảng hơn 6% trong tổng số cây xăng cả nước, nên tác động không đáng kể đến thị trường. Mặt khác, các doanh nghiệp như Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec), Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigonpetro)… cung ứng lên tới khoảng 80% tổng lượng xăng dầu trên thị trường nên hoàn toàn không lo thiếu hụt nguồn hàng.
Ở góc độ thương nhân phân phối, ông Hoàng Trung Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh phải chấp nhận cạnh tranh. Nếu quá khó khăn, thua lỗ kéo dài thì buộc phải đóng cửa, sang nhượng cho đơn vị khác. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần xây dựng các quy định sát với thị trường, giúp doanh nghiệp có thể “sống” và “trụ” được. Góp ý dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công thương đang chủ trì, ông Dũng kiến nghị, nên cho thương nhân phân phối được nhập khẩu, mua bán với nhau và được mua trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu nhằm có cạnh tranh về chiết khấu giá cao, đủ nguồn cung linh hoạt cho thị trường…