Cua 'mặt quỷ' độc như thế nào?
Để phòng tránh nguy cơ ngộ độc, người dân tuyệt đối không nên ăn các loại cua 'mặt quỷ'...
Thịt và trứng của cua “mặt quỷ” chứa độc tố tetrodotoxin, gonyautoxin và saxitoxin
Hỏi:
Mới đây, truyền thông đưa tin về ca ngộ độc cua “mặt quỷ”, nhưng thực tế, vẫn có người ăn loại cua này mà không bị ngộ độc, vì sao thưa bác sĩ?
Trần Mạnh (Hà Nội)
Trả lời:
Trong phần thịt và trứng của cua “mặt quỷ” có chứa một vài loại độc tố khác nhau. Đáng chú ý là độc tố tetrodotoxin, gonyautoxin và saxitoxin. Đặc điểm của các độc tố này là bền vững với nhiệt, tức là vẫn giữ nguyên sau khi nấu chín.
Đây là độc tố cực mạnh với hệ thần kinh, chỉ cần 0,5mg đã có thể gây tử vong cho người lớn. Khi xâm nhập vào cơ thể, độc tố này gây liệt tất cả các cơ, ban đầu có biểu hiện tê bì môi lưỡi chân tay, sau đó là liệt tất cả các cơ, đồng tử giãn, có thể co giật, tụt huyết áp, loạn nhịp tim. Phần lớn những trường hợp tử vong là suy hô hấp do liệt các cơ.
Đáng chú ý, cũng giống như cá nóc, những loại cua này không biết trước độc tố đến mức độ nào, có người đã từng ăn có thể không sao. Tuy nhiên, để phòng tránh nguy cơ ngộ độc, người dân tuyệt đối không nên ăn các loại cua này. Chỉ nên ăn các loại hải sản, cua, mực, tôm, ghẹ… quen thuộc. Những loại cua lạ, kỳ dị, hình hài khác thường thì không nên ăn.
Các ca ngộ độc loại cua “mặt quỷ” này phần lớn là ngư dân và thường nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến cáo nên dự trữ sẵn than hoạt tính để trong trường hợp nghi ngờ ngộ độc có thể gây nôn và uống ngay tại chỗ để giải độc. Bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để có thể được kịp thời cứu chữa.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cua-mat-quy-doc-nhu-the-nao-d501241.html