Cửa ngõ khơi thông thị trường EU
Dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, dẫn đến nhiều DN phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Để giúp các DN mở rộng thị trường, dần đi vào ổn định sản xuất, thành phố đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, trong đó có thị trường Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức.
Dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, dẫn đến nhiều DN phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Để giúp các DN mở rộng thị trường, dần đi vào ổn định sản xuất, thành phố đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, trong đó có thị trường Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức.
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm gần một phần năm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU, đồng thời là cửa ngõ trung chuyển quan trọng hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Kim ngạch thương mại hai nước kể từ năm 2010 đến nay đã tăng gấp hai lần, tăng trưởng bình quân hơn 10%/năm, đạt hơn 10 tỷ USD/ năm. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thương mại hai chiều vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 2 vừa qua, kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam - Đức ước đạt hơn 1,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng chủ lực của TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác xuất khẩu sang thị trường Đức gồm: Thủy sản, rau củ quả, cà-phê, hóa chất, đồ gỗ, dệt may, giày dép… Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Đức các mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa, thức ăn cho gia súc, dược phẩm… Cùng với đó, CHLB Đức đứng thứ 18 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, hơn 300 DN Đức với 361 dự án đang được triển khai trong các lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy, logistics, hóa chất, năng lượng tái tạo… với tổng giá trị vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD. Việt Nam cũng có 35 dự án đầu tư vào Đức với trị giá hơn 250 triệu USD trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tin học, nhà hàng, khách sạn…
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) Trần Phú Lữ cho biết: TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai các hoạt động hợp tác với CHLB Đức. Đức hiện là bạn hàng lớn, đồng thời cũng là quốc gia có nhiều dự án đầu tư trọng điểm tại thành phố, trong đó có dự án đầu tư tuyến tàu điện ngầm Metro số 2, Trường Đại học Việt - Đức, Trường quốc tế Đức, cùng với việc triển khai dạy tiếng Đức tại một số trường phổ thông tại TP Hồ Chí Minh. Theo các chuyên gia, bang Bremen có hai thành phố là Bremen và Bremerhaven. Nếu như Bremen được coi là chìa khóa vào nước Đức thì Bremerhaven lại được coi là cửa ngõ ra thế giới. Tuy là thành phố nhỏ bé nhưng Bremen lại có vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp hàng hải của nước Đức. Ngành hàng hải chiếm hơn 30% kinh tế Bremen, là trụ cột kinh tế bang cũng như của nước Đức và châu Âu. Cảng Bremen là đầu mối quan trọng cho thương mại xuyên lục địa và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng hải... Tuy nhiên, do thiếu thông tin, nhiều DN TP Hồ Chí Minh vẫn đang loay hoay tìm hiểu thị trường, cũng như các quy trình để “xâm nhập” vào thị trường Đức. Ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tomcare, quận 6, TP Hồ Chí Minh cho hay: Biết được thị trường Đức có nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp chế biến, chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu các đầu mối kết nối. Sau đó, Công ty tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường này. Hiện, công ty đã xúc tiến nhiều kênh để gửi hàng mẫu qua các đối tác bên Đức, nếu họ đồng ý sẽ tiến hành đưa sản phẩm qua Đức.
Bà Hoàng Thị Hương, Trưởng đại diện Cơ quan phát triển kinh tế bang Bremen ở Việt Nam cho hay: Thị trường CHLB Đức nói chung và bang Bremen nói riêng có rất nhiều tiềm năng cho DN Việt Nam đầu tư, kinh doanh, học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư muốn đầu tư vào thị trường Đức cần phải lưu ý những yếu tố chính sau: Các DN cần chú ý tới hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm, dịch vụ cũng như quan tâm đến yếu tố môi trường, sức khỏe người tiêu dùng. Tuy giá cả không phải là vấn đề quan trọng nhất ở bang Bremen, nhưng chất lượng, độ tin cậy và thời gian đáp ứng mới là những yếu tố quyết định. Nhà đầu tư nên tiếp cận thị trường ngách với quy mô nhỏ trước, phát triển dần sau khi đã thành công bước đầu và hoàn thành đăng ký bảo hộ đối với mô hình đầu tư, sản phẩm kinh doanh. Hầu hết các tiêu chuẩn hàng hóa của EU được công nhận ở Đức và ngược lại, nhưng Chứng chỉ CE châu Âu (tiêu chuẩn châu Âu) không được áp dụng cho hàng thực phẩm, dệt may và hóa chất và cần phân biệt với chứng chỉ CE Trung Quốc. Ngoài ra, cần lưu ý đến hệ thống thuế tương đối chi tiết và phức tạp, do đó DN nên sử dụng tư vấn thuế trong kinh doanh tại Bremen. Cuối cùng là luật pháp ở CHLB Đức rất nghiêm minh và cụ thể, DN cần phải tuân thủ một cách nghiêm chỉnh và đặc biệt chú ý tới luật bảo mật thông tin cá nhân.
Các chuyên gia nhận định, CHLB Đức là một trong những quốc gia có dân số đông nhất và cũng là nền kinh tế phát triển năng động nhất của EU. Những năm gần đây, CHLB Đức đánh giá cao sự phát triển năng động của các nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có ASEAN. Các DN Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất to lớn để đầu tư vào thị trường Đức. Nếu DN tiếp cận được thị trường Đức, thì đây là cửa ngõ và có vị trí thuận tiện về logistics để giảm chi phí vận chuyển và thời gian đưa hàng vào các hệ thống tiêu thụ tiềm năng tại EU.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/cua-ngo-khoi-thong-thi-truong-eu-641022/