Cửa ngõ phía Đông Bắc vẫn hẹp
Sự “độc đạo” về giao thông kết nối đối ngoại khi phụ thuộc hoàn toàn vào quốc lộ 20 khiến khu vực cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh gồm khu vực các huyện Định Quán và Tân Phú gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
* Quốc lộ 20 đã quá tải
Quốc lộ 20 là tuyến giao thông huyết mạch kết nối khu vực Đông Nam bộ với Tây nguyên. Đối với Đồng Nai, tuyến quốc lộ này đóng vai trò là trục giao thông kết nối chính của khu vực phía Đông Bắc của tỉnh với khu vực trung tâm tỉnh và vùng Đông Nam bộ.
Năm 2015, dự án Khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 đoạn từ TT.Dầu Giây (Đồng Nai) đi TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) chính thức thông xe với quy mô 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm đưa vào khai thác, quốc lộ 20 hiện nay đã trở nên quá tải.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, đối với đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, hiện Trung ương chưa thông báo lộ trình thực hiện, tuy nhiên Đồng Nai đã xác định sẽ tập trung quyết liệt, quyết tâm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khi dự án được phê duyệt.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (TT.Tân Phú, H.Tân Phú) cho hay, lượng xe ngày càng tăng khiến quốc lộ 20 hiện nay thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông. “Những ngày nghỉ lễ, Tết, người dân đổ về TP.Đà Lạt để du lịch thì tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông càng trở nên trầm trọng hơn” - ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Tình trạng quá tải trên quốc lộ 20 đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương khu vực của ngõ phía Đông Bắc của tỉnh là huyện Định Quán và Tân Phú.
Trong những năm gần đây, khi các khu công nghiệp (KCN) tại các địa phương trung tâm của tỉnh như TP.Biên Hòa, H.Long Thành, H.Nhơn Trạch diện tích đất cho thuê ngày càng hạn chế thì các nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển về các KCN “vùng sâu, vùng xa”, trong đó có các KCN trên địa bàn H.Định Quán và H.Tân Phú. Tuy nhiên, hạn chế về hạ tầng giao thông kết nối đang là “điểm nghẽn” khiến các nhà đầu tư e ngại.
Chủ tịch UBND H.Định Quán Trần Quang Tú cho biết, quốc lộ 20 là tuyến giao thông huyết mạch, đóng vai trò là tuyến giao thông kết nối đối ngoại duy nhất của địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây cùng với sự phát triển về kinh tế, lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến quốc lộ 20 cũng tăng nhanh. Điều này khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe thường xuyên xảy ra. “Vào các dịp cuối tuần, lễ, Tết tình trạng quá tải trên quốc lộ 20 diễn ra đặc biệt trầm trọng” - ông Trần Quang Tú cho hay.
* Chờ các dự án giao thông “đột phá”
Theo quy hoạch, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là tuyến giao thông sẽ được xây dựng để đảm nhận vai trò kết nối vùng Đông Nam bộ với khu vực Tây nguyên cũng như giảm tải cho quốc lộ 20. Theo phương án đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương của Bộ GT-VT, tuyến đường có tổng chiều dài 200km cần đến 65 ngàn tỷ đồng để đầu tư. Trong đó, đoạn Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài gần 60km được đầu tư giai đoạn 1 với tổng kinh phí hơn 7 ngàn tỷ đồng, đây là đoạn thiết yếu nên đầu tư trước. Theo dự kiến ban đầu, đoạn Dầu Giây - Tân Phú sẽ được khởi công vào năm 2019 và đi vào khai thác vào năm 2021. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về nguồn vốn nên kế hoạch không thể thực hiện được.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, đơn vị được Bộ GT-VT giao trách nhiệm thực hiện đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương cho biết, bên cạnh đoạn Dầu Giây - Tân Phú, mới đây, đơn vị cũng đã trình Bộ GT-VT phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc. Dự kiến dự án được đưa vào đầu tư trong thời gian trung hạn 2021-2025 theo hình thức BOT. “Nếu được phê duyệt các dự án sẽ được khởi công trong quý III-2022 và hoàn thành vào năm 2025” - ông Nguyễn Văn Huấn cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Huấn, khi hoàn thành, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ giảm tải cho quốc lộ 20. Tuyến này kết nối hoàn chỉnh với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Liên Khương - Prenn (TP.Đà Lạt) đã đưa vào sử dụng từ năm 2008, rút ngắn thời gian đi lại từ Tây nguyên về Đông Nam bộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là dự án mà Đồng Nai mong muốn sớm được triển khai để kết nối đồng bộ với tỉnh Lâm Đồng cũng như các tỉnh khu vực Tây nguyên. Đồng thời, đây cũng là tuyến giao thông tạo điều kiện cho 2 huyện miền núi của tỉnh là Định Quán và Tân Phú phát triển.
Về phía địa phương, để khơi thông hệ thống giao thông kết nối cho khu vực cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh, mới đây, trong quy hoạch giao thông vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Sở GT-VT đã đề xuất mở mới tuyến đường tỉnh 770B. Đây là tuyến đường mang tính chiến lược hình thành trục giao thông quan trọng kết nối các địa bàn huyện Định Quán, Thống Nhất, TP.Long Khánh, H.Cẩm Mỹ đến khu vực cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51 và khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Theo đó, đường 770B được đề xuất thực hiện có lộ giới 60m, điểm đầu tuyến giao với đường tỉnh 763, khu vực H.Định Quán và điểm cuối tuyến giao với quốc lộ 51, H.Long Thành.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202101/cua-ngo-phia-dong-bac-van-hep-3038471/