'Cửa sáng' tới thị trường xuất khẩu mới để phát triển bền vững

Ngoài các thị trường truyền thống, hiện nay, khu vực châu Phi, Bắc Âu, Tây Á... là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam luôn được các doanh nghiệp đa dạng hóa để phát triển bền vững.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tới hầu hết các thị trường, nhất là các thị trường là đối tác thương mại lớn của nước ta trong 7 tháng năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số.

Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 66,09 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 24,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm gần 20%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 7,2%; thị trường EU ước đạt 29,34 tỷ USD, tăng 15,8%; Hàn Quốc ước đạt 14,39 tỷ USD, tăng 9%; Nhật Bản ước đạt 13,46 tỷ USD, tăng 2,8%.

Xuất nhập khẩu sang nhiều thị trường khởi sắc.

Xuất nhập khẩu sang nhiều thị trường khởi sắc.

Đáng chú ý, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tiếp tục đạt kết quả tích cực, kết hợp khai thác các thị trường truyền thống với mở rộng các thị trường mới (châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á). Do vậy, xuất khẩu của nước ta tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta trong thời gian qua đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng khả quan.

Đơn cử, rau quả hiện là mặt hàng xuất khẩu có tăng trưởng rất cao. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, nhu cầu thị trường tăng mạnh đã giúp tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Trong tháng 7/2024, xuất khẩu rau quả đem về 477 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 3,8 tỷ USD tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong cơ cấu xuất khẩu, các nước khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... chiếm tới 80% kim ngạch; 20% còn lại là châu Âu, Hoa Kỳ, Australia, Trung Đông.

Hai quốc gia khu vực Đông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Trong đó, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian qua, mặt hàng rau quả cũng xuất khẩu sang các khu vực khác như châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi, tuy nhiên trị giá xuất khẩu sang các khu vực này vẫn đang chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, do đó vẫn còn nhiều cơ hội để ngành hàng rau quả tiếp tục mở rộng thị trường trong thời gian tới.

Đáng chú ý, với nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả trung bình 153 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2019 – 2023 , châu Âu là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trên thế giới (theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế). Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,22% tổng trị giá nhập khẩu của châu Âu.

Về phía các địa phương, theo Sở Công Thương Thái Bình, 2 năm qua, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác đưa các doanh nghiệp đi xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tại Thụy Điển, Na Uy, Pháp, Hà Lan, Anh, Italia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, New Zealand... Đây đều là những thị trường lớn, giàu tiềm năng và có những cơ chế ưu đãi về thuế quan xuất nhập khẩu vì là đối tác thành viên của các hiệp định thương mại tự do - FTA mà Việt Nam cùng tham gia nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vào các thị trường này còn khiêm tốn. Việc khai thác tốt các thị trường này sẽ khơi thông dòng chảy xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ra khắp thế giới, không chỉ giải quyết đầu ra tiêu thụ mà còn nâng cao giá trị sản xuất cho người dân, doanh nghiệp.

Thực tế, ngay sau chuyến xúc tiến thương mại tại Bắc Âu của lãnh đạo tỉnh, đoàn Tham tán Thụy Điển và các nước Bắc Âu đã đến Thái Bình tìm hiểu về ngành hàng chế biến nông sản thực phẩm, vật liệu xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Bắc Âu.

Theo tổng hợp, phân tích từ Phòng Quản lý xuất nhập khẩu - Sở Công Thương, hiện nay, hàng hóa của tỉnh Thái Bình đã xuất khẩu đi 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường châu Á, châu Âu và châu Mỹ được các doanh nghiệp trong tỉnh khai thác phát triển tương đối hiệu quả với việc xuất khẩu hàng hóa vào 74 quốc gia, vùng lãnh thổ.

7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Bình ước đạt 1.604 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023; châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 872 triệu USD (chiếm 54,4%), tăng 12,6% so với cùng kỳ; tiếp đến là châu Mỹ đạt 469 triệu USD (chiếm 29,2%); châu Âu đạt 169 triệu USD (chiếm 10,5%)… Ngoài ra, còn có các thị trường mới thuộc châu Âu, châu Mỹ, châu Phi…

Xúc tiến xuất khẩu các thị trường trọng điểm

Từ nay đến cuối năm, để phát huy những kết quả đã đạt được, Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTA mang lại như: CPTPP, EVFTA, RCEP… nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Bên cạnh đó, đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới, trước mắt với Israel, UAE, để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập.

Bộ Công Thương còn duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, tổ chức phổ biến, hướng dẫn về nội dung các cam kết và cách thức tận dụng ưu đãi từ các FTA đến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến, tiện tra cứu, khai thác… Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt nhất cơ hội để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, hoạt động xuất nhập khẩu với khu vực Á - Phi ngày càng thể hiện được sự đa dạng hóa. Bên cạnh các thị trường truyền thống như ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... các thị trường mới, thị trường ngách như khu vực châu Phi, khu vực Trung Đông... cũng được đẩy mạnh khai thác và khai thác tốt.

Nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam cũng là những mặt hàng mà thị trường châu Á – châu Phi có nhu cầu cao. Đơn cử như năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang khu vực Á-Phi đạt hơn 7,2 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD. Tính riêng 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang khu vực này tiếp tục ghi nhận tăng trưởng, đạt 1,8 tỷ USD, tăng mạnh 34%. Những đối tác nhập khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam gồm Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Bờ Biển Ngà. Đáng chú ý, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Đối với mặt hàng quả vải thiều và quả nhãn-đây là hai loại trái cây xuất khẩu thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Hồng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu trái nhãn của Việt Nam sang khu vực đạt hơn 14 triệu USD tăng gần 2,5 lần so với năm 2022. Trung Quốc, Australia, Thái Lan, Nhật Bản là những thị trường tiêu thụ nhãn Việt Nam nhiều nhất. Về quả vải, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ vải lớn nhất của Việt Nam. Năm 2023, hơn 100 nghìn tấn vải thiều đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia; UAE, Singapore, Trung Đông, Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc)... cũng là những thị trường tiêu thụ quả vải tiềm năng của Việt Nam.

KHÁNH LINH (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cua-sang-toi-thi-truong-xuat-khau-moi-de-phat-trien-ben-vung-204240827104653943.htm