Hai nguyên nhân khiến giá gạo ở Nhật Bản tăng mạnh

Giá gạo tại các siêu thị Nhật Bản ghi nhận mức tăng mạnh trong những tháng gần đây, nhất là tháng 8/2024 khi giá tăng tới 23% so với cùng kỳ năm trước.

Gạo Nhật Bản được bày bán tại siêu thị. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Gạo Nhật Bản được bày bán tại siêu thị. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Nguyên nhân chính được cho là do nguồn cung gạo bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng khắc nghiệt vào mùa Hè năm ngoái, cùng với nhu cầu tăng cao sau khi chính phủ đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra một trận động đất lớn.

Theo báo cáo của một công ty nghiên cứu dữ liệu người tiêu dùng công bố ngày 13/9, giá trung bình của 5kg gạo trong tháng 8 đã lên tới 2.266 yen (khoảng 16 USD), tăng đáng kể so với mức 1.839 yen của cùng kỳ năm ngoái. Góp phần vào sự gia tăng này còn có nhu cầu từ ngành du lịch, khi số lượng du khách quốc tế đến Nhật Bản tăng mạnh.

Dù dự kiến nguồn cung gạo sẽ cải thiện khi gạo mới được thu hoạch và đưa ra thị trường, các chuyên gia vẫn lo ngại giá gạo có thể tiếp tục ở mức cao hơn so với năm ngoái. Nguyên nhân là do chi phí sản xuất tăng và nhu cầu vẫn duy trì ở mức cao.

Mặc dù giá gạo tăng cao, nhưng nhu cầu về loại thực phẩm này vẫn không hề giảm. Người tiêu dùng Nhật Bản vẫn lựa chọn gạo là nguồn cung cấp năng lượng chính trong bữa ăn hàng ngày, đặc biệt là khi so sánh với các loại thực phẩm khác như bánh mì.

Các chuyên gia dự báo tổng chi tiêu của du khách nước ngoài tại Nhật Bản trong năm nay sẽ tăng lên khoảng 9.690 tỷ yen, tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác.

Tokyo, Osaka và các thành phố tiêu dùng lớn khác ở Nhật Bản đã trải qua tình trạng thiếu hụt gạo trong tháng 8/2024 do không thu hoạch đủ trong năm 2023, và việc người tiêu dùng tích trữ gạo để ứng phó với cảnh báo về nguy cơ siêu động đất rãnh Nankai.

Việc bán gạo mới thu hoạch đã bắt đầu từ tháng 9/2024, nhưng với giá cao do mất cân bằng cung cầu. Nhà nghiên cứu Yasufumi Miwa tại Viện nghiên cứu

Nhật Bản, đồng thời là chuyên gia về phân phối gạo, cho biết giá tăng là không thể tránh khỏi khi chi phí sản xuất lúa gạo tăng, chẳng hạn như phân bón và nhiên liệu. Nhà nghiên cứu này dự đoán: “Vào cuối tháng này, khi lúa mới thu hoạch đã được phân phối đầy đủ, tình trạng thiếu hụt sẽ được giải quyết và mức giá cao bất thường này sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, giá có khả năng sẽ vẫn ở mức cao hơn khoảng 10% so với năm ngoái”.

Đầu tháng 9/2024, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản công bố lượng gạo xuất khẩu của Nhật Bản trong giai đoạn từ tháng 1-7/2024 đạt mức cao nhất là 24.469 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tình trạng này diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng gạo ở Nhật Bản đang diễn biến trầm trọng.

Nhu cầu gạo ở Nhật Bản đã tăng lần đầu tiên sau một thập kỷ, do lượng khách du lịch kỷ lục cũng như nhu cầu trong nước mạnh mẽ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt và hạn chế mua hàng. Nhu cầu tăng trưởng, cùng với vụ thu hoạch bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng, đã khiến một số siêu thị hết sạch gạo. Các nhà phân phối đã có động thái tăng giá thực phẩm chủ lực của Nhật Bản.

Trong khi đó, mặc dù lượng gạo tồn kho của khu vực tư nhân đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999, nhưng gạo dành cho xuất khẩu lại không thể được sử dụng trên thị trường trong nước vì tại Nhật Bản, trợ cấp của chính phủ gắn liền với sản lượng gạo.

Chính phủ Nhật Bản coi gạo là một trong những sản phẩm xuất khẩu chính và đã sử dụng trợ cấp để khuyến khích nông dân trồng lúa xuất khẩu. Khoản trợ cấp này lên tới 40.000 yen (279 USD)/1.000 mét vuông đất trồng lúa. Việc sử dụng lúa trồng bằng trợ cấp là cố định nên nếu gạo được sử dụng cho thị trường nội địa thì nông dân phải hoàn lại tiền.

Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, lượng gạo tồn kho của khu vực tư nhân trong nước đã giảm xuống còn 1,56 triệu tấn vào tháng 6/2024, mức thấp nhất kể từ năm 1999 và giảm 21% so với năm trước. Giá lúa vụ 2023 tăng lên 15.865 yen (khoảng 110 USD) cho 60 kg, mức cao nhất của 11 năm. Theo chỉ số giá tiêu dùng chính thức (CPI), giá gạo trong tháng 7/2024 đã tăng 17% so với năm trước.

Gạo là một trong số ít mặt hàng chủ lực do nông dân Nhật Bản cung cấp hoàn toàn, với tỷ lệ tự cung tự cấp gần 100%. Sản xuất mặt hàng chủ lực được chính phủ hướng dẫn theo nhu cầu dự kiến, ví dụ bằng cách trợ cấp cho người sản xuất để chuyển sang các sản phẩm khác như thức ăn chăn nuôi. Những sai lệch so với ước tính về nhu cầu và sản lượng này, chẳng hạn như đã xảy ra khi du lịch tăng, có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt và tăng giá.

Lê Minh (Theo Kyodo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hai-nguyen-nhan-khien-gia-gao-o-nhat-ban-tang-manh/347051.html