Cuba đẩy mạnh sử dụng năng lượng Mặt trời trong sản xuất xì gà

Để duy trì sản xuất xì gà, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Cuba, người nông dân ở tỉnh miền Tây Pinar del Río đã chuyển sang sử dụng tấm pin Mặt trời để vận hành hệ thống tưới tiêu giữa cuộc khủng hoảng năng lượng.

Giữa bối cảnh mất điện triền miên, những tấm pin mặt trời đang trở thành “phao cứu sinh” cho nghề trồng thuốc lá 400 năm tuổi, di sản đang được người nông dân Cuba gìn giữ bằng cả công nghệ xanh và tinh thần bền bỉ. Ảnh: Mai Phương/TTXVN

Giữa bối cảnh mất điện triền miên, những tấm pin mặt trời đang trở thành “phao cứu sinh” cho nghề trồng thuốc lá 400 năm tuổi, di sản đang được người nông dân Cuba gìn giữ bằng cả công nghệ xanh và tinh thần bền bỉ. Ảnh: Mai Phương/TTXVN

Những cơn bão liên tiếp trong những năm gần đây đã tàn phá khu vực trồng thuốc lá trọng điểm này, do đó chính quyền địa phương đang ưu tiên khôi phục cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.

Ông Ortelio Rodríguez, đại diện Bộ Nông nghiệp tại Pinar del Río, cho biết hiện có khoảng 7.200 nông dân tham gia trồng xì gà, với tiềm năng mở rộng lên 9.000 người do diện tích canh tác còn dư dả. Thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu nhiên liệu và điện, do đó nhiều nông trại đã chuyển sang sử dụng 152 tấm pin Mặt trời để đảm bảo tưới tiêu cho khoảng 700 hecta.

Ông Rodríguez nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải chuyển đổi cơ cấu năng lượng, đặc biệt tại các khu vực khô hạn ở phía Bắc của tỉnh, đồng thời khôi phục các “nhà phơi” lá xì gà cùng hệ thống trữ nước.

Một “nhà phơi” lá xì gà truyền thống của Cuba. Ảnh: Mai Phương/TTXVN

Một “nhà phơi” lá xì gà truyền thống của Cuba. Ảnh: Mai Phương/TTXVN

Gìn giữ nghề truyền thống

Từ năm 2004, ông José Ángel Ortúzar tiếp quản nông trại San Pedro từ cha mình là ông Rogelio Ortúzar, người từng được vinh danh là “Nhà trồng xì gà xuất sắc” năm 2019. Ông Ortúzar chia sẻ về những bài học từ thời thơ ấu, đó là kỹ thuật gia truyền sử dụng phân dê thay phân công nghiệp để cải tạo đất. Gần đây, ông lắp đặt hệ thống pin Mặt trời cung cấp điện cho máy bơm và nhà phân loại lá thuốc. Tại đây, 27 nữ công nhân làm việc trong phòng được điều hòa nhiệt độ.

Sau khi vượt qua khủng hoảng do bão tàn phá nhà phơi, ông Ortúzar không chỉ khôi phục sản xuất thuốc lá mà còn trồng lúa và đậu phục vụ công nhân, đồng thời dự định xây nhà trẻ cho con em nhân viên.

Phân loại lá xì gà thủ công. Ảnh: Mai Phương/TTXVN

Phân loại lá xì gà thủ công. Ảnh: Mai Phương/TTXVN

“Nghề nông vất vả với nhiều giờ lao động dưới nắng. Đảm bảo điều kiện ăn ở, chăm sóc con cái cho công nhân là cách tôi giữ chân họ”, ông giải thích.

Tư nhân gánh vác sản xuất

Theo ông Rodríguez, việc Tập đoàn Thuốc lá Cuba (Tabacuba) cho phép nông dân tự phân loại lá thuốc, công đoạn đòi hỏi kỹ thuật thủ công tỉ mỉ, đã giảm gánh nặng cho nhà nước. Cách làm này vừa nâng cao chất lượng sản phẩm (tiệm cận tiêu chuẩn xì gà premium), vừa tạo động lực cho người trồng.

Nữ công nhân làm việc trong phòng được điều hòa nhiệt độ nhờ pin năng lượng mặt trời. Ảnh: Mai Phương/TTXVN

Nữ công nhân làm việc trong phòng được điều hòa nhiệt độ nhờ pin năng lượng mặt trời. Ảnh: Mai Phương/TTXVN

Pinar del Río hiện cung cấp hơn 70% nguyên liệu cao cấp cho ngành sản xuất xì gà Cuba, với phần lớn diện tích do hộ tư nhân canh tác hoặc thuê đất. Sau mùa thuốc lá kết thúc vào tháng Hai, các nông trại luân canh cây lương thực phục vụ nhu cầu gia đình.

Giữa bối cảnh mất điện triền miên, những tấm pin Mặt trời đang trở thành “phao cứu sinh” cho nghề trồng thuốc lá 400 năm tuổi, di sản đang được người nông dân Cuba gìn giữ bằng cả công nghệ xanh và tinh thần bền bỉ.

Mai Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/cuba-day-manh-su-dung-nang-luong-mat-troi-trong-san-xuat-xi-ga-20250711143414824.htm