Nhiều ngành phát thải lớn đang 'lọt lưới' kiểm soát ô nhiễm không khí
Nhiều lĩnh vực phát thải quy mô lớn hiện vẫn đang được áp dụng các quy định kiểm soát ô nhiễm lỏng lẻo hơn so với các thiết bị dân dụng, khiến nỗ lực cải thiện chất lượng không khí gặp nhiều thách thức.

Tàu chở hàng hóa của hãng vận tải Maersk. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo tờ The Guardian ngày 11/7, một nghiên cứu mới của nhóm chuyên gia tại Đại học York (Anh) cho thấy mức kiểm soát lượng oxit nitơ (NOx) phát thải hiện nay có sự chênh lệch rất lớn giữa các loại thiết bị và ngành nghề. Tính theo đơn vị năng lượng, một nhà máy điện có thể phát thải NOx cao gấp 10 lần lò hơi đốt gas trong hộ gia đình, trong khi máy đào đất tại công trường xây dựng có thể phát thải nhiều gấp 100 lần.
Tiến sĩ Sarah Moller, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi từng kỳ vọng các nguồn phát thải lớn phải chịu quy định nghiêm ngặt hơn so với thiết bị dân dụng, nhưng thực tế lại đi ngược lại.” Đáng chú ý, một máy phát điện diesel tầm trung được phép phát thải NOx gấp 48 lần lò hơi gas dân dụng, dù công suất tạo ra năng lượng tương đương.
Báo cáo cũng chỉ ra, các ngành vận tải biển, hàng không, xây dựng và máy móc nông nghiệp thuộc nhóm có quy định khí thải lỏng lẻo nhất. Đơn cử, một động cơ diesel lớn trên tàu thủy, về mặt pháp lý, được phép phát thải NOx cao gấp năm lần so với cùng động cơ đó nếu sử dụng để chạy máy phát điện trên bờ. Trong khi đó, các nhà máy sinh khối và một số cơ sở còn đốt than vẫn được phép phát thải NOx nhiều hơn đáng kể so với các nhà máy sử dụng khí hóa thạch.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh, nhiều thiết bị phát thải lớn có tuổi thọ dài, làm gia tăng thách thức trong quản lý ô nhiễm lâu dài. Tuổi thọ trung bình của một tàu buôn có thể lên tới 22 năm, và 38% tàu diesel của Anh vẫn đang hoạt động từ trước thời điểm các quy chuẩn khí thải được ban hành. Điều này đồng nghĩa, nếu không sớm siết chặt tiêu chuẩn, các nguồn phát thải này sẽ tiếp tục gây ô nhiễm trong nhiều thập kỷ tới.
Trên lộ trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, giao thông đường bộ và hệ thống sưởi ấm dân dụng đã và đang được khuyến khích chuyển đổi sang dùng điện, giúp cắt giảm đáng kể phát thải khí NOx. Tuy vậy, nhiều lĩnh vực khác vẫn dự kiến duy trì các loại nhiên liệu carbon thấp nhưng tiềm ẩn nguy cơ phát sinh NOx như sinh khối, hydro hay nhiên liệu hàng không bền vững.
Dự báo, vận tải biển toàn cầu có thể tăng gấp đôi, còn hàng không tăng gấp ba từ nay đến năm 2050. Tuy nhiên, đây lại chính là những lĩnh vực hiện có hệ thống kiểm soát khí thải yếu nhất. Tiến sĩ Sarah Moller nhấn mạnh: “Nếu không điều chỉnh đồng bộ và kịp thời, mọi nỗ lực giảm ô nhiễm không khí sẽ bị triệt tiêu”.
Bà Moller cũng khẳng định: “Thắt chặt giới hạn phát thải ngay lúc này không chỉ là nghĩa vụ môi trường mà còn là đầu tư lâu dài cho sức khỏe cộng đồng và bảo vệ bầu không khí cho các thế hệ tương lai”.