Cục An toàn thực phẩm: Kiểm soát quảng cáo sữa trên không gian mạng là việc làm khó khăn, phức tạp
'Việc kiểm soát quảng cáo sữa trên không gian mạng là việc làm vô cùng phức tạp, điều này không phải riêng Bộ Công Thương mà các bộ ngành khác đều gặp phải, kể cả Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)'.
Đó là khẳng định của TS Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tại tọa đàm "Quản lý thị trường sữa và "vấn nạn truyền thông bẩn"", tổ chức tại Báo Công thương, ngày 9/11.
Hiện nay, thị trường sữa Việt Nam ngày càng đa dạng về loại hình sản phẩm, từ sữa bột, sữa tươi, sữa đặc, sữa chua, đến các sản phẩm sữa chức năng, sữa hữu cơ, sữa không lactose, sữa thực vật và các sản phẩm sữa kết hợp với các nguyên liệu khác như trái cây, ngũ cốc, rau củ, thảo mộc...
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng truyền thông bẩn để tấn công đối thủ nhằm chiếm thị phần với nhiều cách thức khác nhau như đưa thông tin sai, phiến diện chưa được kiểm chứng, nhắc đi nhắc lại những lỗi sai dù đã bị xử lý…
Một hiện tượng khác là doanh nghiệp đăng tải các video quảng cáo gắn với các "bác sĩ", các "chuyên gia" mặc áo blouse so sánh các loại sữa khác nhau, đánh tráo khái niệm về sữa với tần xuất dày đặc trên mạng xã hội gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Trước trình trạng này, TS Trần Việt Nga cho biết, theo quy định, các nhóm sữa cần đăng ký và nộp hồ sơ gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, y học và dùng cho chế độ ăn đặc biệt; trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi và phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng do Bộ Y tế quy định. Các sản phẩm khác được tự công bố, doanh nghiệp tự xây dựng hồ sơ theo quy định, quy chuẩn của nhà sản xuất và chỉ cần 1 bản hồ sơ đăng tải trên website là gần như hoàn thành việc tự công bố sản phẩm.
TS Trần Việt Nga cho biết, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần có nghĩa vụ thực hiện theo đúng các quy định của cơ quan quản lý nhà nước, sau đó hậu kiểm. Nghị định 15 đã quy định rất rõ các ngành hàng, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương, tiếp nhận bản tự công bố sau đó phân cấp, phân quyền sau đó thanh tra, kiểm tra.
"Từ năm 2018 đến nay, có nhiều ý kiến đánh giá về việc cho phép doanh nghiệp tự công bố. Điều này dẫn đến việc tạo thuận lợi cho một số doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian. Bên cạnh đó, xuất hiện một số trường hợp doanh nghiệp làm ăn không chân chính, lợi dụng sự thông thoáng, quảng cáo các sản phẩm không đúng quy định của nhà nước", TS Trần Thị Nga cho hay.
TS Trần Thị Nga khẳng định, dù quảng cáo sữa với bất kể hình thức nào, nếu đưa thông tin sai sự thật đều là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt là khi sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để có thể mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. Đây là những hành vi pháp luật đã nghiêm cấm. Trong Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15 cũng nêu rõ về vấn đề này.
Theo TS Trần Việt Nga, đối với những nhóm phải đăng ký bản công bố sản phẩm – tạm gọi là quản lý chặt hơn. Trước khi quảng cáo, nhóm này phải được xác nhận nội dung quảng cáo, tức là muốn quảng cáo nội dung gì thì phải gửi nội dung đó lên cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kiểm soát. Nếu nhận được giấy xác nhận nội dung quảng cáo kèm theo nội dung được duyệt thì mới được quảng cáo.
Đơn vị phát hành quảng cáo cũng chỉ được phép phát hành nội dung mà Cục An toàn thực phẩm đã phê duyệt.
Song, 90% sản phẩm khác thuộc nhóm tự công bố và doanh nghiệp chịu trách nhiệm về các sản phẩm quảng cáo của mình. Do đó, đây vừa là điều kiện vừa là lỗ hổng để doanh nghiệp lợi dụng đểquảng cáo chưa đúng sự thật với sản phẩm sữa.
TS Trần Việt Nga khẳng định: "Việc kiểm soát quảng cáo trên không gian mạng là việc vô cùng phức tạp, điều này không riêng Bộ Công Thương mà các bộ ngành khác đều gặp phải, kể cả chúng tôi.Khi phát hiện quảng cáo vi phạm, chúng tôi phải gửi ngay thông tin cho Bộ TT&TT, Bộ Công thương để yêu cầu xác minh chủ website, chủ đường link đó để yêu cầu gỡ bỏ thông tin quảng cáo. Tuy nhiên, thực tế, điều này vô cùng khó khăn, bởi nếu là website ẩn danh hoặc máy chủ đặt ở nước ngoài, chúng ta rất khó tìm đơn vị chính chủ.
Còn đối với tổ chức cá nhân có sản phẩm quảng cáo vi phạm thì họ lại không thừa nhận sản phẩm hay thậm chí có những sản phẩm không do họ thực hiện quảng cáo mà có thể do đơn vị thứ 3 đứng giưãthực hiện. Điều này cũng có một vài trường hợp Bộ Công an đã bắt giữ và xác minh việc đó".
"Pháp luật có đầy đủ quy định về các mức xử phạt nhưng theo tôi, với sự phát triển không gian mạng như hiện nay, việc kiểm soát của cơ quan quản lý vẫn vô cùng khó khăn", TS Trần Việt Nga cho hay.
Dùng hình ảnh bác sĩ, chuyên gia để quảng cáo là truyền thông bẩn
Ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, tất cả những hiện tượng thông tin tuyên truyền dù ở bất kỳ nên tảng nào nếu sai sự thật, gây nhầm lẫn, thậm chí nói xấu các sản phẩm thì đều đáng bị lên án và phải được xử lý.
"Đặc biệt, chúng ta biết là hiện nay Chính phủ đã chuyển từ chế độ tiền kiểm sang hậu kiểm, điều này rất tiện cho doanh nghiệp, nên công tác hậu kiểm chúng ta làm cũng cần phải tăng cường hơn.
Bởi thực thế, có sự lợi dụng thì doanh nghiệp làm ăn chân chính thì không vấn đề gì, còn đối với các doanh nghiệp có vấn đề thì tôi nghĩ các cơ quan chức năng phải vào cuộc", ông Trung cho hay.
Theo ông Trung, đó chính là "truyền thông bẩn", mà đã là "truyền thông bẩn", đó là rác rưởi thì chúng ta phải dọn sạch đi, như vậy sẽ có lợi cho xã hội.
Thứ nhất, lập lại trật tự về mặt tuyên truyền quảng cáo, đảm bảo an toàn cho thực phẩm nói chung và sản phẩm sữa nói riêng.
Thứ hai, trả lại lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Quan trọng hơn nữa là toàn xã hội, người tiêu dùng có được môi trường sử dụng các sản phẩm lành mạnh cho chính mình.