Cục An toàn thông tin cần hiện đại hóa tư duy số và công nghệ số để đảm bảo an toàn trên không gian mạng

Cục An toàn thông tin cần kế thừa quá khứ, mở ra tương lai với giấc mơ lớn hơn, góp phần hình thành ngành công nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam.

Báo VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Cục An toàn thông tin, ngày 5/9.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 10 năm tiếp theo, Cục An toàn thông tin hãy cùng nhau viết tiếp nên một trang sử mới huy hoàng hơn. Ảnh: Phạm Hải

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 10 năm tiếp theo, Cục An toàn thông tin hãy cùng nhau viết tiếp nên một trang sử mới huy hoàng hơn. Ảnh: Phạm Hải

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Cục An toàn thông tin (ATTT), thay mặt Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tôi xin gửi đến các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục ATTT những tình cảm tốt đẹp và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.

Từ một vài cán bộ đầu tiên, sau 10 năm, Cục An toàn thông tin đã có hơn 150 cán bộ cùng với tổ chức bộ máy an toàn thông tin được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống thể chế đã được xây dựng và hoàn thiện, từ luật tới các nghị định và thông tư, hướng dẫn. Nhận thức của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp về ATTT không ngừng được nâng cao. Bất kỳ dự án CNTT nào cũng đều có hợp phần ATTT. Đã có tới trên 100 doanh nghiệp ATTT Việt Nam, làm chủ được hầu hết các sản phẩm ATTT, chiếm trên 50% thị phần sản phẩm và dịch vụ, có những doanh nghiệp đã đi ra nước ngoài cạnh tranh toàn cầu.

Xếp hạng của ITU về an toàn, an ninh mạng (AT, ANM), Việt Nam đã thăng hạng từ 100 lên 25. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Xếp hạng của ITU về an toàn, an ninh mạng (AT, ANM), Việt Nam đã thăng hạng từ 100 lên 25. Không chỉ đảm bảo ATTT mạng mà chúng ta còn đảm bảo cả an ninh thông tin, Cục ATTT đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền số quốc gia, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ và bảo vệ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên không gian mạng.

Cục ATTT hoàn toàn có thể tự hào về những thành quả 10 năm qua, về tổ chức và con người của mình, về ngôi nhà Cục ATTT. Lãnh đạo Bộ ghi nhận, biểu dương, chúc mừng và cảm ơn các đồng chí vì những đóng góp này.

Thế hệ sau kế thừa quá khứ và phải vượt lên trên thế hệ trước, chỉ có như vậy thì tổ chức mới phát triển trường tồn. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Hầu hết các tổ chức đều có chu kỳ 10 năm. Thường thì sau 10 năm, mỗi tổ chức phải có sự phát triển mới, mang tính đột phá để bắt đầu một giai đoạn mới, viết nên một trang mới huy hoàng hơn. Những năm gần đây, Cục ATTT đang có dấu hiệu chững lại. Đây có thể là thời gian thai nghén cho một chặng đường mới. Anh Lê Văn Tuấn được Bộ điều về làm Cục trưởng Cục ATTT là với kỳ vọng mở ra một giai đoạn phát triển mới, viết nên một trang mới huy hoàng hơn của Cục ATTT. Thế hệ sau kế thừa quá khứ và phải vượt lên trên thế hệ trước, chỉ có như vậy thì tổ chức mới phát triển trường tồn.

Tôi xin nói về một số thay đổi lớn của lĩnh vực ATTT. Nhận thức sâu sắc những thay đổi này để từ đó hình thành và viết nên một trang mới của lĩnh vực ATTT.

Thứ nhất, không gian mạng (KGM) đã trở thành không gian sinh tồn mới của quốc gia. CNTT đã tiến hóa thành công nghệ số (CNS) nhưng có tính cách mạng và tạo ra CĐS. CĐS là số hóa toàn diện, đưa mọi hoạt động lên môi trường số, tạo ra tài nguyên mới khổng lồ là dữ liệu, rồi dùng CNS, nhất là AI, để xử lý tài nguyên dữ liệu sinh ra giá trị mới để phát triển. Một khi đã số hóa toàn diện thì không gian số sẽ gần như là ánh xạ 1-1 của thế giới thực. Lúc này, không gian mạng sẽ thực sự là không gian sống mới của con người. Đảm bảo an toàn cho người dân trên KGM sẽ không kém gì so với đảm bảo an toàn cho người dân trong thế giới thực. Tức là quy mô và phạm vi đảm bảo ATTT sẽ lớn hơn rất nhiều lần. Lực lượng ATTT của quốc gia, của Cục ATTT, sẽ phải lớn mạnh hơn gấp nhiều lần.

Cục ATTT phải nhận lấy trách nhiệm bảo vệ an toàn trên KGM cho 100 triệu người dân, cho hơn 7.000 hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, hoạt động trên không gian mạng của gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 26 triệu hộ gia đình, 14.000 cơ sở y tế, 44.000 trường học.

Thứ hai, bảo vệ không gian số thì phải có công cụ số, vũ khí số xuất sắc. Các công nghệ số thế hệ mới cũng là vũ khí cho tấn công mạng, lừa đảo, tuyên truyền chống chế độ. Đây là cuộc chiến công nghệ. Chống lại mặt trái của công nghệ số thì phải dùng luật pháp, nhưng cũng phải dùng chính công nghệ số.

Hãy đặt ra bài toán vĩ đại để tạo ra sự vĩ đại cho lĩnh vực ATTT. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Cục ATTT mà không đi đầu về công nghệ số, không phát triển được những công cụ số xuất sắc thì không thể hoàn thành nhiệm vụ. CNS phải là vũ khí chính của Cục ATTT. Để phát triển vũ khí này, Cục ATTT phải huy động được sự xuất sắc của toàn bộ lực lượng công nghệ của quốc gia, của toàn cầu. Hãy đặt ra bài toán vĩ đại để tạo ra sự vĩ đại cho lĩnh vực ATTT. Sự xuất sắc của một lĩnh vực thì đầu tiên là xuất phát từ yêu cầu xuất sắc, bài toán xuất sắc. Tức là xuất phát từ giấc mơ lớn của lãnh đạo Cục ATTT, để từ đó mà góp phần hình thành ngành công nghiệp AT, ANM Việt Nam.

Thứ ba, bên cạnh vũ khí số thì phải có binh pháp số. Vũ khí xuất sắc mà không có cách đánh xuất sắc thì cũng khó thành công. Cục ATTT phải xây dựng cho mình một binh pháp trên KGM. Cách đánh Việt Nam là sự kết hợp chiến tranh nhân dân và bộ đội chủ lực. Cách đánh Việt Nam là khả năng hồi phục nhanh. Cách đánh Việt Nam là sự kết hợp công nghệ hiện đại với thực tiễn và văn hóa Việt Nam. Cách đánh Việt Nam là sự xuất sắc của nền tảng số có tính tùy biến cao, trợ lý ảo chứa đựng toàn bộ hệ tri thức, kết hợp với sự linh hoạt, ứng biến của từng cá nhân và tổ chức. Cách đánh Việt Nam là tổ chức mạng lưới và khả năng huy động tổng lực nhanh. Cách đánh Việt Nam là sự kết hợp online và offline.

Thứ tư, một tổ chức xuất sắc là một tổ chức có nhiều người với nhiều sự xuất sắc khác nhau. Vũ khí xuất sắc, binh pháp xuất sắc và cần phải có con người xuất sắc. Con người của Cục ATTT thì phải chia thành các nhóm theo việc mà chọn người cho đúng, mà đào tạo cho đúng. Thứ nhất là những người làm thể chế, sự xuất sắc ở đây là học hỏi được các kinh nghiệm toàn cầu, áp dụng cho đúng vào thực tiễn và văn hóa Việt Nam, theo binh pháp Việt Nam. Thứ hai là đào tạo nhân lực cho cả hệ thống, sự xuất sắc ở đây tập trung vào các nền tảng trực tuyến phục vụ đào tạo, mô phỏng, diễn tập, và đặc biệt là cung cấp hệ tri thức lĩnh vực ATTT thông qua trợ lý ảo. Thứ ba là thực thi pháp luật, ở đây thì rất cần sự xuất sắc của công cụ thực thi, công cụ giám sát và thái độ thực thi nghiêm minh của nhân viên. Thứ tư là phát triển công cụ mới, sự xuất sắc ở đây chủ yếu là đặt ra các yêu cầu mới xuất sắc rồi huy động rộng rãi lực lượng công nghệ tham gia. Một tổ chức thì cần nhiều người với nhiều sự xuất sắc khác nhau, chứ không phải nhiều người với một sự xuất sắc như nhau. Thực thi nghiêm minh cũng là một sự xuất sắc, nhưng nó không giống với sự xuất sắc của một người phát triển công nghệ. Nhận thức như thế này thì Cục ATTT sẽ thu hút và đào tạo được rất nhiều người xuất sắc.

Trong đời thực có 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thì trên KGM, chúng ta cũng có 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên KGM. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Thứ năm, đảm bảo AT, ANM là tiền đề cho CĐS quốc gia, tiền đề cho Việt Nam bứt phá vươn lên thành nước phát triển. Đảng ta đã xác định CĐS là động lực phát triển chính để Việt Nam trở thành nước phát triển. Cách mạng Việt Nam đã đi qua các giai đoạn: Giành độc lập, thống nhất đất nước, thoát nghèo thành nước có thu nhập trung bình, và bây giờ là đưa Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao, sánh vai cường quốc 5 châu, bằng CĐS.

Điều này cũng có nghĩa là chúng ta chấp nhận rủi ro của CĐS. Lĩnh vực AT, ANM phải nhận lấy sứ mệnh đảm bảo an toàn cho CĐS quốc gia. Việt Nam phải trở thành cường quốc về AT, ANM thì mới có thể bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên KGM. Trong đời thực có 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thì trên KGM, chúng ta cũng có 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên KGM.

Đẩy mạnh CĐS gắn liền với đảm bảo an ninh, an toàn là tất yếu khách quan để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Thứ sáu, sự thay đổi trong 10 năm tới của Cục ATTT là một sự thay đổi có tính cách mạng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã xác định CĐS là một cuộc cách mạng và nhấn mạnh "Đẩy mạnh CĐS gắn liền với đảm bảo an ninh, an toàn là tất yếu khách quan để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới". Vậy thì ATTT cũng phải thực hiện một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng này chính là sứ mệnh 10 năm tới của Cục ATTT, của đồng chí Cục trưởng. Đây là cuộc cách mạng cả trong phát triển lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Với Cục ATTT thì đó là sự thay đổi về con người với tư duy số và kỹ năng số, thay đổi về công cụ số với công nghệ số hiện đại và thể chế số vừa theo kịp, vừa kiến tạo phát triển.

Tổ chức nào cũng vậy, muốn đi xa, muốn ngày mai huy hoàng hơn ngày hôm qua thì phải kế thừa quá khứ và mở ra tương lai với giấc mơ lớn hơn. Cái cần kế thừa là truyền thống, là văn hóa, là tinh thần, là giá trị cốt lõi và là triết lý phát triển. Mở ra tương lai là mở ra các không gian phát triển mới. Mở ra tương lai thì vừa là yêu cầu khách quan của thời đại và vừa là do giấc mơ của những người lãnh đạo.

10 năm tiếp theo, Cục An toàn thông tin hãy cùng nhau viết tiếp nên một trang sử mới huy hoàng hơn!

Nguyễn Mạnh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuc-attt-can-hien-dai-hoa-de-bao-ve-to-quoc-tren-khong-gian-mang-2318813.html