Cục ATTT đề nghị TikTok Việt Nam xử lý clip phản cảm trên kênh Thơ Nguyễn
Nhận định các clip có nội dung phản cảm trên kênh TikTok Thơ Nguyễn ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của trẻ em, Cục An toàn thông tin (ATTT) vừa đề nghị TikTok Việt Nam khẩn trương có biện pháp xử lý video, chủ tài khoản kênh này.
Ngày 14/3, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã xác nhận việc đơn vị này mới gửi văn bản yêu cầu Công ty TNHH công nghệ TikTok Việt Nam khẩn trương có biện pháp xử lý video, chủ tài khoản kênh Thơ Nguyễn.
Cục An toàn thông tin cho hay, thời gian vừa qua, một số kênh truyền thông đã đưa tin về video dùng búp bê “xin vía học giỏi” của kênh TikTok Thơ Nguyễn, trong đó có chứa nội dung phản cảm, mê tín dị đoan, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
“Sự việc này đã gây ra tâm lý tiêu cực tới sự phát triển và nhận thức của trẻ em, khiến nhiều phụ huynh và dư luận xã hội bức xúc”, Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.
Cùng với yêu cầu Công ty TikTok Việt Nam nghiêm túc thực hiện yêu cầu trên, Cục An toàn thông tin cũng đề nghị doanh nghiệp này cử đầu mối liên lạc và báo cáo kết quả xử lý về Cục trước ngày 19/3/2021.
Bên cạnh đó, trong văn bản gửi TikTok Việt Nam, Cục An toàn thông tin yêu cầu TikTok tăng cường giải pháp để ngăn chặn hiệu quả hơn nội dung đưa trên mạng, không để lọt những nội dung độc hại với trẻ em, vi phạm thuần phong mỹ tục.
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong năm 2020, Bộ TT&TT đã được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025”. Cục An toàn thông tin là cơ quan được Bộ TT&TT giao trực tiếp phối hợp với các đơn vị liên quan soạn thảo Đề án.
Hiện dự thảo Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020 - 2025” đã được Bộ TT&TT trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Dự thảo Đề án này đã đưa ra những giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề như tạo lập một đầu mối duy nhất trên không gian mạng nhằm tiếp nhận các phản ánh về nội dung xâm hại trẻ em; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn để phát hiện sớm, chủ động chọn lọc và gỡ bỏ nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; đồng thời trang bị bộ kỹ năng số cơ bản cho trẻ em, bao gồm giáo dục nhận thức về môi trường mạng, kỹ năng để trẻ em có thể tự bảo vệ mình, tự nhận diện các nguy cơ trên môi trường mạng và có hành động thích hợp.