Cục Báo chí kỷ niệm 20 năm và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Ngày 19-7, tại Hà Nội, Cục Báo chí tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (16-7-2003- 16-7-2023) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí nhấn mạnh, 20 năm qua, cơ cấu tổ chức của cục có chia tách thành nhiều đơn vị khác nhau, nhưng dần được hoàn thiện; phạm vi, đối tượng quản lý, chức năng và nhiệm vụ của cục được mở rộng hơn, với nhiều trọng trách mới, thể hiện sự tin tưởng, ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thế hệ các lãnh đạo Bộ TT-TT.
Trong suốt 20 năm xây dựng và phát triển, Cục Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng thể chế, tạo đột phá cho sự phát triển và quản lý báo chí. Cục Báo chí đã chủ trì, tham gia xây dựng, ban hành 113 văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác, đáng chú ý là: Luật Báo chí 2016; Nghị định quy định chi tiết về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước; Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Công tác quản lý Nhà nước về báo chí đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại…
Tiền thân của Cục Báo chí được thành lập ngày 28-8-1945, do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng. Ngày 3-5-1946, Nha thông tin Tuyên truyền ra đời, với chức năng “thu thập và truyền bá các tin tức trong nước”, đánh dấu sự ra đời của cơ quan quản lý nhà nước về thông tin báo chí. Mốc son quan trọng là ngày 16-7-2003, Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị ký quyết định số 22/2003/QĐ-VHTT thành lập Cục Báo chí.
Ông Lưu Đình Phúc cho biết: Tự hào về chặng đường 20 năm của đơn vị, thế hệ cán bộ Cục Báo chí hôm nay tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tin tưởng của nhân dân, Cục Báo chí đã và sẽ vượt mọi thách thức, khó khăn, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục góp phần khơi dậy khát vọng dân tộc. Đó là khát vọng phát triển đất nước sánh vai cường quốc năm châu, Việt Nam trở thành một nước XHCN phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Đây là sứ mệnh mới của báo chí cách mạng.
Bộ trưởng Bộ TT-TT cũng nêu ra những trọng điểm cần lưu ý. Một trong số đó là vai trò quản lý của Cục Báo chí để tạo ra môi trường thuận lợi cho báo chí phát triển, vừa ngang tầm nhiệm vụ, vừa ngang tầm thời đại, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn. "Phát triển sẽ sinh ra những vấn đề mới, nhưng phát triển thì mới có nguồn lực để xử lý vấn đề mới. Ngoài ra, phát triển mới không bị tụt hậu, không bị thôn tính", Bộ trưởng nêu rõ.
Đề cập đến vấn đề phát triển báo chí bền vững, đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chú trọng đến vấn đề quản lý Nhà nước về báo chí. Trong xu thế chuyển đổi số báo chí, Cục Báo chí phải đi đầu, tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi trong cách thức làm việc để đạt được hiệu quả , từ đó thúc đẩy báo chí phát triển.
"Báo chí trước đây là cây bút, trang giấy thì nay thêm công nghệ số, nền tảng số, nhưng cái bất biến vẫn là những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, cái tâm của người làm báo. Quản lý Nhà nước về báo chí là tạo ra môi trường thuận lợi để báo chí cách mạng phát triển, vừa ngang tầm nhiệm vụ, thời đại vừa chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.