Cục Bảo vệ Thực vật cấp mã số cho hơn 1.200 vùng trồng nông sản ở Đồng Tháp
Tỉnh Đồng Tháp đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 100% diện tích vùng trồng nông sản đủ điều kiện cấp mã số; trong đó, lúa với diện tích 162.267ha, cây ăn trái 31.235ha và rau màu 4.660ha.
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp được Cục Bảo vệ Thực vật cấp mã số cho 1.208 vùng trồng nông sản với diện tích hơn 106.000ha; trong đó, cây ăn trái là hơn 15.000ha; cây rau màu 2.000ha; cây lúa hơn 88.000ha.
Đa số cấp mã vùng trồng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, New Zealand, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Nga, Singapore, Malaysia, UAE.
Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết địa chỉ được cấp mã vùng trồng lúa đa số được sử dụng giống lúa có xu hướng dịch chuyển từ giống lúa có chất lượng thấp sang trồng các loại giống lúa có chất lượng cao và tập trung trên một số nhóm giống chính, cho năng suất cao như: Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 4900, Nàng Hoa 9, Nếp Long An IR 46-25. Tỷ lệ nhóm giống chất lượng cao chiếm 69,6%.
Điển hình là huyện Tháp Mười, trên địa bàn huyện được cấp 162 mã vùng trồng với diện tích hơn 14.000ha; trong đó, có 70 mã vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU và 92 mã số thị trường nội địa.
Huyện Tháp Mười có tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm duy trì trên 100.000ha; trong đó, được cấp 65 mã vùng trồng lúa với diện tích hơn 13.000ha.
Ông Ngô Thanh Bình ở xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, cho biết trước đây, do sản xuất nhỏ lẻ nên nông dân gặp nhiều khó khăn từ đầu vào đến đầu ra.
Khi có mã vùng trồng và liên kết với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lúa gạo Việt Nam để sản xuất giống lúa chất lượng cao Đài Thơm 8, được công ty hỗ trợ về giống và kỹ thuật sản xuất theo hướng sạch.
Từ đó, mỗi vụ, ước tính năng suất bình quân đạt trên 7 tấn/ha, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với những giống khác, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn diện tích lúa chưa cấp mã vùng trồng.
Các vùng sản xuất lúa được cấp mã vùng trồng được được nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật như sạ thưa và bón phân vùi vào đất khi trục trạc lần cuối trước khi gieo sạ, IPM trong quản lý dịch hại... nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, tăng lợi nhuận và nâng cao chất lượng lúa gạo.
Đối với trồng cây ăn quả trong tỉnh được cấp mã vùng trồng có lợi nhuận cao hơn cùng loại cây ăn quả theo phương pháp canh tác thông thường.
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 295 vùng trồng xoài được cấp mã số tương ứng 8.300ha, tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh.
Diện tích trồng xoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã được cấp 252 mã vùng trồng, với diện tích 7.000ha.
Ngoài ra, xoài Đồng Tháp còn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang các nước khác đã góp phần đẩy mạnh việc hình thành và mở rộng vùng chuyên canh xoài của tỉnh.
Xoài được trồng ở những vùng được cấp mã vùng trồng đa số bán với giá cao hơn 5.000-10.000 đồng/kg so với xoài được trồng theo phương pháp canh tác thông thường.
Ông Trần Minh Lộc, ở xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, cho biết Ông có 2ha xoài cát Hòa Lộc và cát Chu được tỉnh cấp mã số vùng trồng hơn 5 năm. Đây là vườn xoài được cấp mã số vùng trồng đầu tiên của tỉnh để chọn xuất khẩu.
Vườn xoài của ông Lộc có sản lượng quả từ 18-20 tấn/ha, trồng xoài lãi gấp 4-5 lần trồng lúa, bình quân mỗi ha xoài lãi từ 250-300 triệu đồng/ha khi đã có cấp mã vùng trồng.
Ở huyện Châu Thành, có diện tích trồng nhãn lớn nhất tỉnh Đồng Tháp, nông dân nhãn được cấp mã vùng trồng cho năng suất 17-25 tấn/ha mỗi năm và lợi nhuận 400 triệu đồng/ha, cao hơn 100 triệu đồng/ha so với cây nhãn được trồng theo phương pháp thông thường.
Để đạt các quy định cấp mã vùng trồng, tỉnh Đồng Tháp chú trọng xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đảm bảo an toàn dịch bệnh, thống nhất áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất bền vững (VietGAP, GlobalGAP...) hoặc theo yêu cầu cụ thể từng thị trường; đảm bảo số hóa vùng trồng.
Đồng thời, các cơ sở doanh nghiệp kinh doanh, chế biến; phát triển hợp tác xã, hội quán tại các vùng sản xuất để thống nhất quản lý và phát triển, đảm bảo cân đối cung cầu; xây dựng và nhân rộng diện tích sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Phát triển nông sản an toàn, nông sản hữu cơ gắn chứng nhận mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 sẽ thiết lập và cấp mã số vùng trồng đạt 100% diện tích vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số; trong đó, lúa với diện tích 162.267ha, cây ăn trái 31.235ha và rau màu 4.660ha; cấp mã số cơ sở đóng gói nông sản cho 100% cơ sở có nhu cầu./.