Phát triển bền vững ngành hàng cá tra

Xác định cá tra là ngành hàng chiến lược của tỉnh, thời gian qua, Đồng Tháp tập trung phát triển ngành hàng này theo hướng bền vững và nâng cao giá trị gia tăng. Trong đó, tỉnh triển khai giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất, tiêu thụ, thông tin thị trường; thực hiện công tác chuyển đổi số trong quản lý và điều hành ngành hàng cá tra về quy hoạch, cấp mã nhận diện, thông tin sản xuất, thị trường, môi trường nuôi...

Thời gian qua, Đồng Tháp chú trọng phát triển con giống cá tra đạt chất lượng

Thời gian qua, Đồng Tháp chú trọng phát triển con giống cá tra đạt chất lượng

Tập trung phát triển ngành hàng cá tra

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, địa phương tập trung phát triển ngành hàng cá tra theo hướng hiện đại, chú trọng sản phẩm giá trị gia tăng đáp ứng điều kiện về chất lượng và an toàn thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong năm 2024, toàn tỉnh có diện tích nuôi cá tra ước đạt 2.630ha, vượt 7,3% so với chỉ tiêu, vùng nuôi chủ yếu tại TP Hồng Ngự và các huyện: Tân Hồng, Châu Thành, Thanh Bình. Giá trị sản xuất ngành cá tra năm 2024 ước đạt 8.802 tỷ đồng, chiếm 17,36% cơ cấu giá trị ngành nông, lâm, thủy sản.

Toàn tỉnh hiện có 378 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp mã số nhận diện ao nuôi với diện tích 1.630ha. Diện tích hộ nuôi thực hiện liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp chế biến là 804,7ha. Đến nay, toàn tỉnh có 91,5% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định.

Về giống cá tra, toàn tỉnh có 94 cơ sở sản xuất giống, trong đó có 17 cơ sở sử dụng đàn cá tra cải thiện di truyền để cho sinh sản chiếm 18%; hơn 1.000 cơ sở ương dưỡng giống cá tra. Trong năm 2024, các cơ sở sản xuất ước đạt hơn 1,2 tỷ con giống cá tra (trong đó cá tra chất lượng cao là 500 triệu con). Đồng thời, toàn tỉnh có 60 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất giống.

Hướng tới phát triển ngành hàng lợi thế này, thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh có 2 nhiệm vụ được bàn giao ứng dụng và 1 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện, gồm: Dự án “Sản xuất phân hữu cơ từ các nguồn phụ phẩm, phế phẩm trong quá trình chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”; đề tài Nghiên cứu bệnh trương bóng hơi cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) nuôi công nghiệp và đề xuất giải pháp phòng trị bệnh; đề tài “Chuẩn hóa kỹ thuật LAMP phát hiện bệnh gan thận mủ trên cá tra tại tỉnh Đồng Tháp”.

Cùng với đó, xây dựng mô hình kỹ thuật nuôi theo công nghệ cao, công nghệ nuôi tuần hoàn, nhằm hạn chế thay nước ao nuôi ra môi trường bên ngoài, giảm thiểu dịch bệnh, mô hình này được đánh giá phù hợp trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ương cá tra 2 giai đoạn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” giai đoạn 2023 - 2024 giúp thay đổi dần dần nhận thức ương nuôi với mật độ thích hợp và có sự thay đổi trong kỹ thuật sản xuất, lựa chọn thời điểm nuôi thích hợp, sử dụng các sản phẩm sinh học để cải thiện chất lượng nước tốt.

TP Hồng Ngự định hướng phát triển vùng nuôi cá tra theo hướng bền vững

TP Hồng Ngự định hướng phát triển vùng nuôi cá tra theo hướng bền vững

Công ty TNHH Hùng Cá (huyện Thanh Bình) sở hữu vùng nuôi cá tra hơn 700ha. Trong đó, đơn vị áp dụng các quy trình sản xuất khép kín từ khâu nuôi, chế biến và xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm được nguồn nguyên liệu ổn định, giám sát nghiêm ngặt quá trình sản xuất. Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá, cho biết: “Việc tuân thủ đúng quy trình quốc tế về hệ thống nước, ao nuôi, kỹ thuật nuôi và hệ thống nhà máy chế biến cá tốn rất nhiều kinh phí nhưng bù lại, cá nuôi ít bệnh, sản lượng tăng từ 3-5%, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất...”.

Với sự hỗ trợ của Bộ Công thương, Sở Công thương tỉnh xây dựng, vận hành, hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời lồng ghép thông qua các chương trình tập huấn khuyến khích, hướng dẫn các cơ sở nuôi áp dụng và chứng nhận các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP; thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm...

Ngoài ra, các doanh nghiệp Đồng Tháp chú trọng đến việc tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, chất lượng cao từ cá tra như: chả giò, cá viên, collagen, genlatin, dầu cá, da cá sấy... và sử dụng phụ phẩm cá tra để chế biến thức ăn gia súc. Ngoài ra, các phụ phẩm, chất thải ngành sản xuất được sử dụng sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thu hoạch cá tra (Ảnh: N.Phong)

Thu hoạch cá tra (Ảnh: N.Phong)

Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, trong kế hoạch Tái cơ cấu ngành hàng cá tra đến năm 2025, Đồng Tháp đề ra mục tiêu có 100% cơ sở nuôi cá tra được số hóa mã nhận diện theo quy định; 100% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định; 50% diện tích nuôi cá tra thương phẩm áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt GAP và 90% diện tích hộ cá thể nuôi cá tra tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ. Phấn đấu trên 75% con giống phục vụ nuôi thương phẩm là con giống chất lượng cao; đảm bảo 60% các cơ sở sinh sản cá tra bột phải sử dụng đàn cá cải thiện di truyền; 60% diện tích vùng nuôi có hệ thống xử lý nước thải, bùn thải theo quy định; 100% nguồn nước cấp trên dòng sông chính được quan trắc thường xuyên theo quy định...

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tập trung thực hiện tuyên truyền, phổ biến công tác quy hoạch, quy định của pháp luật về quản lý giống, nuôi trồng thủy sản và các văn bản có liên quan của Trung ương và địa phương đến tổ chức, cá nhân biết, thực hiện. Tham mưu ban hành Quyết định phê duyệt, triển khai thực hiện phương án quản lý vùng nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Song song đó, tiếp tục thực hiện quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản; phối hợp với Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 hỗ trợ địa phương đàn cá tra hậu bị chọn giống theo hướng tăng trưởng nhanh và kháng bệnh, nhằm nâng cao chất lượng con giống phục vụ nuôi thương phẩm đạt hiệu quả cao.

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác kiểm tra điều kiện sản xuất của các cơ sở sản xuất đầu vào như: con giống, thức ăn; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; giám sát dư lượng các chất độc hại trong sản phẩm thủy sản; tổ chức, phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước; tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối với các nhà phân phối thông qua các hội nghị, hội thảo, diễn đàn trong nước và quốc tế để tìm kiếm, phát triển thị trường...

Ông Ong Hàng Văn - Phó tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Trường Giang (TP Sa Đéc), chia sẻ: “Thời gian tới, để nâng cao giá trị ngành hàng cá tra, các doanh nghiệp, hộ nuôi cần thay đổi cách nuôi, lai tạo con giống, nuôi mật độ thấp, phòng ngừa dịch bệnh để giúp con cá tra tăng trưởng nhanh, hạ được giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm”.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng: “Thời gian tới, Đồng Tháp cần chú trọng phát triển con giống cho cá tra. Theo đó, cụ thể hóa chương trình cải thiện về chất lượng con giống cụ thể của từng vùng, xây dựng về cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia chương trình phát triển con giống. Cùng với đó, tỉnh cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị ngành hàng cá tra, áp dụng khoa học công nghệ phát triển, sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao...”.

Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, thời gian tới, để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm cá tra, doanh nghiệp cần nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chọn, lai tạo con giống mới. Đồng thời cải tiến phương thức sản xuất, chế biến làm tăng dần hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm cá tra, góp phần thúc đẩy ngành hàng cá tra phát triển. Cùng với đó, tăng cường đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị công nghệ từ nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm...

Nam Phong

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/phat-trien-ben-vung-nganh-hang-ca-tra-127105.aspx