Cục Bảo vệ thực vật: Giá phân bón giảm so với mức cao nhất, chứ không tăng
Trước phản ánh giá phân bón của Việt Nam tăng mạnh trong những ngày gần đây, nhất là sau thông tin Trung Quốc cấm xuất khẩu phân ure, Cục Bảo vệ thực vật cho rằng thực tế giá phân bón đang trong đà giảm so với mức cao nhất đã từng thiết lập, chứ không phải tăng.
Đầu tháng 9, Trung Quốc - nước sản xuất và tiêu thụ ure hàng đầu thế giới, yêu cầu một số công ty sản xuất phân bón dừng xuất khẩu mặt hàng này sau khi giá trong nước tăng vọt.
Trong nước, giữa tháng 9, Đạm Cà Mau thông báo tăng giá ure tại nhà máy lên mức 11.200 đồng/kg và các kho trung chuyển ở miền Tây, miền Trung tăng lên mức 11.300-11.350 đồng/kg. Mức giá này tăng hơn 10% so với một tháng trước đó.
Tương tự, Nhà máy Đạm Phú Mỹ tăng giá ure tại nhà máy thêm 500 đồng/kg lên 11.000 đồng/kg; Nhà máy Đạm Ninh Bình, Hà Bắc cũng thông báo điều chỉnh giá.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ NN&PTNT, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết giá phân bón thời gian qua đúng là có trồi sụt. Tổng công suất sản xuất phân bón của Việt Nam lên tới 20,7 triệu tấn/năm và Việt Nam chỉ phải nhập 3-5 triệu tấn/năm. Nhu cầu sử dụng phân bón ở trong nước chỉ 10,4 triệu tấn, trong đó phân vô cơ là 7,6 triệu tấn/năm.
"Điều này cho thấy cung cầu phân bón được điều chỉnh được trong phạm vi Việt Nam", bà Hương nói.
Đáng chú ý, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay, trong năm nay, giá ure giảm 23-45% so với cùng kỳ năm 2020, giảm 50-60% so với mức cao nhất được thiết lập hồi tháng 4/2022. Giá ure ở mức 9.900 - 11.200 đồng/kg.
Cùng với đó, giá phân DAP, Kali đang ở đà giảm chứ không tăng. "Mặc dù có ảnh hưởng từ các nước nhưng giá trong nước vẫn giảm", bà Hương nói.
Tuy giá giảm, chủ động cung cầu nhưng Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng không chủ quan bởi những yếu tố bên ngoài. Để tránh lợi dụng thông tin từ thị trường thế giới để tăng giá trong nước, Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Bộ Công Thương điều tiết sản xuất, đảm bảo nguồn cung phân bón trong nước, ưu tiên sử dụng trong nước hơn xuất khẩu.
Cục Bảo vệ thực vật sẽ triển khai chương trình tập huấn, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, xây dựng trình đề án phân bón hữu cơ trong nước... Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra đảm bảo chất lượng phân bón, tránh đầu cơ, ảnh hưởng giá thành nông sản.