Cục Bảo vệ thực vật thông tin việc một số container sầu riêng, chuối… bị tạm dừng xuất khẩu
Đến thời điểm này, không còn container sầu riêng, chuối… nào ùn ứ ở cửa khẩu, nhưng những lô hàng có mã số vùng trồng vi phạm sẽ bị kiểm tra chặt hơn.
Liên quan đến thông tin hàng trăm container chuối, mít, sầu riêng, thanh long... chuẩn bị xuất sang Trung Quốc bất ngờ nhận được công văn từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) yêu cầu tạm dừng xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - thông tin, tại Điều 5 và Điều 6 của Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc quy định: “Tại thời điểm kiểm tra lô hàng trước khi xuất khẩu hoặc ở cửa khẩu đến, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng sẽ tạm dừng xuất khẩu với mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong suốt thời gian còn lại của năm mùa vụ”.
Nhiệm vụ của vùng trồng và cơ sở đóng gói là phải thực hiện các hành động khắc phục, hoàn thiện hồ sơ, gửi lại Cục Bảo vệ thực vật.
Việc tạm dừng và thu hồi này có 2 cách làm: Cục Bảo vệ thực vật sẽ hướng dẫn các địa phương tự tạm dừng hoặc thu hồi (theo quy định tại Điều 5 của Nghị định thư) hoặc phía Trung Quốc ra quyết định tạm dừng, thu hồi (theo quy định tại Điều 6 của Nghị định thư).
“Với kinh nghiệm làm việc với nhiều thị trường, nếu chúng ta chủ động tạm dừng, hỗ trợ nhau khắc phục nếu đạt yêu cầu thì cấp mã số trở lại và rủi ro sẽ thấp hơn cho bà con nông dân”, bà Nguyễn Thị Thu Hương cho hay.
Liên quan đến ý kiến cho rằng Cục Bảo vệ thực vật tạm dừng “đột ngột” xuất khẩu hàng trăm container chuối, mít, sầu riêng, thanh long... chuẩn bị xuất sang thị trường Trung Quốc, bà Hương cho hay, đây là hoạt động thường kỳ và được thực hiện nhiều năm nay với nhiều thị trường chứ không chỉ riêng thị trường Trung Quốc.
Riêng với thị trường Trung Quốc, đây là đợt thông báo thứ 4 về tạm dừng, thu hồi, khắc phục các biện pháp không tuân thủ vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật của phía Trung Quốc.
Cũng theo bà Hương, sau khi nhận được thông báo không tuân thủ vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật từ Trung Quốc thì chúng tôi sẽ thông báo địa phương về mã số nào vi phạm, hành vi vi phạm là gì, và đề nghị thời gian nhất định gửi hồ sơ khắc phục về phía Cục để Cục gửi sang phía Hải quan Trung Quốc, trên cơ sở đó họ sẽ xem xét phục hồi lại các mã số này. Đây là với trường hợp vi phạm lần đầu.
Với những cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng vi phạm nhiều lần thì vẫn là tạm dừng, xác định nguyên nhân, khắc phục, nộp hồ sơ gửi lại. Tuy nhiên với các cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng vi phạm nhiều lần thì sẽ yêu cầu địa phương thu hồi mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói này.
Tuy nhiên, việc thông báo khắc phụ, thu hồi hay tạm dừng thì cũng dựa theo nguyên tắc đó là: Không làm ảnh hưởng tới thương mại, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sản xuất kinh doanh, của người xuất khẩu; không đánh đồng đơn vị tốt với đơn vị vi phạm.
Nhiều ý kiến cho rằng, không để ảnh hưởng thì Cục Bảo vệ thực vật phải để doanh nghiệp xuất khẩu tiếp vì hàng đã ra đến cảng. Bà Hương cho hay, có thể trong quá trình thông báo doanh nghiệp chưa nhận được, chưa phản ứng ngay được, trong trường hợp này, Cục sẽ kiểm tra rất chặt các lô hàng có các mã số không tuân thủ.
Trong một vài gần đây, báo chí đưa ra thông tin rất nhiều container ùn ứ tại cửa khẩu do thông báo đột ngột của Cục Bảo vệ thực vật, bà Hương khẳng định: “Có một chút giải thích ban đầu về lô hàng, mã số này tại cửa khẩu Cát Lái nhưng đã được giải quyết sau đó 30 phút sau khi Chi cục Bảo vệ thực vật địa phương và Cục Bảo vệ thực vật trao đổi. Đến bây giờ không có lô hàng nào ùn ứ ở cửa khẩu về lý do nêu trên như báo chí phản ảnh, tuy nhiên, những lô hàng có mã số bị thông báo vi phạm sẽ bị kiểm tra chặt hơn”.
Có tạm dừng, thu hồi, câu hỏi đặt ra vậy thì bao giờ được phục hồi mã số vùng trồng? Về việc này, bà Hương cho hay, có 2 trường hợp, nếu vi phạm lần đầu, sẽ tạm dừng để thực hiện hành động khắc phục.
"Ở trường hợp này, nếu ở phía Việt Nam, sau khi Cục nhận hồ sơ khắc phục, nếu đạt thì sẽ khôi phục ngay lập tức, còn không đạt thì Cục sẽ đưa ra thông báo lý do tại sao, việc tiếp theo cần phải làm là gì? Nếu đầu Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo thì chúng tôi sẽ gửi thông tin này cho phía bạn, nếu Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét thông tin lại cho chúng tôi thì chúng tôi sẽ thông tin lại đầy đủ cho vùng trồng, cơ sở đóng gói" - bà Hương chia sẻ.
Trường hợp thứ hai đó là đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói bị thu hồi thì không có cách nào khác là các vùng trồng, cơ sở đóng gói phải xin cấp phép lại từ đầu.
Bà Hương cho biết, thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tập trung các giải pháp nhằm minh bạch thông tin, cơ sở dữ liệu; hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật; hoàn thiện bộ tài liệu ngành hàng để có những tiêu chuẩn từ giống, phân bón, trồng trọt, nhận diện thương hiệu... đến kỹ thuật sản xuất cho bà con thuận tiện sử dụng.
Bà Hương nhấn mạnh, thương hiệu của từng doanh nghiệp rất quan trọng. Những lô hàng chộp giật, mạo danh sẽ nhanh chóng phá sản, những đơn vị làm ăn uy tín thì sẽ tồn tại.
Lý thuyết đúng là như vậy nhưng điều này sẽ dẫn đến mất luôn thương hiệu sầu riêng Việt Nam, những doanh nghiệp làm ăn uy tín sẽ bị ảnh hưởng. Vậy những đơn vị, cơ sở vùng trồng nếu phát hiện có trường hợp mạo danh mã số vùng trồng, cần báo cáo ngay với Chi cục Bảo vệ thực vật địa phương để có giải pháp xử lý. Không ai bảo vệ thương hiệu tốt hơn chính mình.
“Hiện nay các đối thủ của chúng ta như Thái Lan, Malaysia, Philippines… liên tục đầu tư vào khoa học công nghệ. Họ đã xây dựng được thương hiệu và định vị, định danh trên thị trường quốc tế. Nếu chúng ta cứ ngủ quên trên chiến thắng, tự ru ngủ mình là số 1, là duy nhất thì “chẳng chóng thì chầy” sẽ thua ngay từ lúc bắt đầu. Do đó, thời gian tới, chúng ta sẽ cùng nhau nâng cao trách nhiệm cộng đồng, tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và các nước xuất khẩu; cùng nhau hợp tác và hỗ trợ để xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam”, bà Hương nói thêm.