Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế đạt giải cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc 2020

Vừa qua, tại Hà Nội, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 do Hội Truyền thông số Việt Nam, với sản phẩm đoạt giải gồm: Giải pháp về hồ sơ bệnh án điện tử; Phần mềm hồ sơ sức khỏe phiên bản máy tính và mobile. Cục CNTT, Bộ Y tế là 1 trong 7 cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc có quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ từ mô hình truyền thống sang môi trường quản lý, làm việc dựa trên nền tảng công nghệ số.

Cục Công nghệ thông tin đã được Hội Truyền thông số Việt Nam, các chuyên gia CNTT, các nhà công nghệ, các nhà khoa học uy tín về chuyển đổi số ghi nhận, đánh giá và trao giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” cho sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của tập thể Cục CNTT- Bộ Y tế, dưới sự dẫn dắt của TTND PGS.TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, "trồng cây đã có những trái ngọt" với các sản phẩm trên.

TTND. PGS. TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế nhận giải thưởng Chuyển đối số Việt Nam 2020

TTND. PGS. TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế nhận giải thưởng Chuyển đối số Việt Nam 2020

Đồng thời với sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành và các địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của toàn ngành y tế, sự hợp tác, giúp đỡ của bàn bè quốc tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã đặt nền móng cho sự phát triển y tế điện tử và chuyển đổi số y tế trong thời gian tới.

Đây là nguồn động viên cổ vũ to lớn để Cục CNTT tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình chuyển đổi số Y tế, góp phần thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Các cơ quan nhà nước được giải gồm: Trung tâm Tin học và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương); Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế); Đài khí tượng cao không; Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc, Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT); Sở TT&TT Đà Nẵng; Trung tâm CNTT Thừa Thiên Huế.

Về xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe xuất từ ý tưởng mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử đã được thai nghén từ rất lâu. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Y tế sớm nghiên cứu, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cách đây nhiều năm. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với hệ thống y tế sẵn có, Việt Nam sẽ có một nền y tế hiệu quả”. Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử rà hết sức cần thiết, bảo đảm mỗi người dân có hồ sơ sức khỏe điện từ từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi không còn trên cõi đời, thì càng phải thực hiện sớm.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới được ban hành đã đưa ra các mục tiêu giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

Trong đó mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế xã phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh lây nhiễm. Để đạt được muc tiêu này, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện, trong đó có việc triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế xã, quản lý tiêm chúng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khỏe người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán bảo hiểm y tế.

Nhằm thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử đến từng người dân, đồng thời thực hiện cập nhật thông tin, chỉ số sức khỏe khi đi khám sức khỏe, chữa bệnh, ngày 12/11/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử.

Kế hoạch có 4 mục tiêu: xây dựng, hoàn thiện hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, đảm bảo quản lý đầy đủ các thông tin quy định tại Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, cung cấp các giao diện tương tác với Bộ Y tế, Sở Y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chuyên gia y tế và người dân; thu thập trực tiếp thông tin sức khỏe của người dân hoặc thu thập từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vào hồ sơ sức khỏe điện tử thông qua các tiêu chuẩn của ngành y tế đã ban hành bao gồm các tiêu chuẩn quốc tế HL7 và chuẩn định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo Quyết định số 4210/QĐ-BYT ngày 20/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử rất có ý nghĩa với người dân, với thầy thuốc, với công tác quản lý, với bảo hiểm y tế:

Thứ nhất, đối với người dân, hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của cá nhân được liên tục, suốt đời. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sứ bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách kịp thời, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc.

Thứ hai, đối với người thầy thuốc, hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp cho người thầy thuốc đẩy đủ thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chuẩn đoán kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mối người dân. Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp thầy thuốc chăm sóc sức khỏe cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý y học gia đình tốt hơn.

Thứ ba, đối với công tác quản lý, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu về sức khỏe lớn của ngành mà việc tổng hợp, phân tích sẽ giúp ngành y tế có các chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói tiêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn.

Thứ tư, đối với bảo hiểm y tế, khi thông tin và khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới và Việt Nam, nhận thấy tầm quan trọng của việc theo dõi sức khỏe người già, người cao tuổi mắc bệnh mạn tính khi tình hình Covid-19 phức tạp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh triển khai hồ sơ sức khỏe người dân. Bộ Y tế cũng có văn bản yêu cầu các địa phương đẩy mạnh việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, ưu tiên những người cao tuổi, mắc bệnh mạn tính, và những trường hợp phải cách ly, giúp phòng bệnh, chữa bệnh kịp thời hơn, giảm tử vong do Covid-19.

Để việc tư vấn khám, chữa bệnh từ xa có hiệu quả, thì việc kết nối đồng bộ hồ sơ sức khỏe điện tử, hồ sơ bệnh án điện của người dân với hệ thống y tế từ xa (Telehealth đã kết nối 1000 bệnh viện), là hết sức cần thiết, giúp các thầy thuốc ở tuyến trên mới biết đầy đủ thông tin sức khỏe, bệnh tật của người dân, từ đó nhận định, chẩn đoán chính xác, giúp cho việc cứu chữa bệnh hiệu quả hơn.

Sản phẩm phần mềm hồ sơ sức khỏe đã được Cục CNTT khởi động xây dựng vào tháng 6/2018 đến tháng 12/2018. Cục CNTT đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kế hoạch triển khai, đã triển khai thí điểm thành công tại tỉnh Phú Thọ, Bà Rịa- Vũng Tàu, Nghệ An, , Bình Dương,...

Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử ở các địa phương gặp nhiều thuận lợi do lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố rất quan tâm và chỉ đạo rất sát sao triển khai hồ sơ sức khỏe trên địa bàn quản lý.

Thứ nhất, về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật CNTT, hầu hết các trạm y tế xã tương đối khang trang, có đủ máy tính kết nối internet đáp ứng yêu cầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, đã kết nối trích chuyển dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; các nhân viên y tế có khả năng sử dụng thành thạo máy tính và đã sử dụng được phần mềm khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Thứ hai, về kỹ thuật, phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử do Cục CNTT chủ trì xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế HL7, có khả năng tiếp nhận được thông tin khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Vì vậy, phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử có khả năng kết nối, liên thông dữ liệu với hầu hết các hệ thống thông tin bênh viện trên địa bàn tỉnh nói riêng và toàn quốc nói chung.

Bên cạnh những thuận lợi, khi triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử ở địa phương còn gặp một số khó khăn chính là: hồ sơ sức khỏe điện tử là việc làm mới, chưa có tiền lệ, khi triển khai các địa phương còn lúng túng, nhiều tỉnh/thành phố chưa bố trí kinh phí triển khai, người dân chưa thấy lợi ích của hồ sơ sức khỏe điện tử, nên chưa tích cực công tác, hỗ trợ ngành y tế trong triển khai, thực hiện.

Về giải pháp hồ sơ bệnh án điện tử: Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 29/12/2018 quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Đây là giải pháp cho việc thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử (EMR) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Căn cứ tình hình thực tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc quản lý bệnh án và mục tiêu hướng tới bệnh viện không giấy tờ, Cục Công nghệ thông tin tham mưu cho Bộ Y tế đưa ra giải pháp này nhằm quy định việc lập, sử dụng và quản lý hồ sơ bệnh án điện tử. Giải pháp này hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đạt các yêu cầu theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT đối với các hệ thống thông tin y tế hoạt động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như: Hệ thống thông tin bệnh viện HIS, Hệ thống thông tin xét nghiệm LIS, Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS… trước khi triển khai bệnh án điển tử. Đồng thời giải pháp cũng quy định các tiêu chuẩn công nghệ để chuẩn hóa hồ sơ bệnh án điện tử.

Đây là một giải pháp mang tính thời đại áp dụng cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Việt nam, việc ứng dụng hồ sơ bệnh án điện tử sẽ giúp các đơn vị có thể quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân dễ dàng, tiết kiệm nguồn lực, đồng thời dễ dàng chia sẻ thông tin y tế và nâng cao hiệu suất cũng như chất lượng trong công tác chăm sóc người bệnh. Việc hướng tới các bệnh viện không giấy tờ giúp ngành y tế Việt nam chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và góp phần thúc đẩy công tác chuyển đổi số ngành y tế.

Hồ sơ bệnh án điện tử (EMR) áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ mang tính ổn định như: Tiêu chuẩn HL7 gồm kiến trúc tài liệu lâm sàng HL7 CDA và HL7 FHIR; Tiêu chuẩn hình ảnh số và truyền tải trong y tế (DICOM) phiên bản 2.0 trở lên. Sản phẩm cũng đưa ra các tiêu chí cần thiết bảo đảm an toàn, an ninh thông tin y tế cũng như tiêu chí cho việc liên thông giữa các hệ thống thông tin y tế khác với hồ sơ bệnh án điện tử.

Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025 kèm theo Quyết định số 4888/QĐ-BYT ngày 18 tháng 10 năm 2019. Đề án này đã nêu rõ mục tiêu của ngành y tế Việt Nam như sau: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính và giảm quá tải bệnh viện; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh”.

Đến nay, 100% BV đã triển khai hệ thống thông tin BV. 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam. Theo báo cáo của các địa phương, năm 2019 có 40,4% các BV ứng dụng CNTT đạt mức 1 theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT; 32,2% đạt mức 2; 21,4 đạt mức 3; 4,8% đạt mức 4; 1,1% đạt mức 5; 0,1 đạt mức 6 (BV thông minh). Có 8 BV công bố sử dụng bệnh án điện tử thay bệnh án giấy, 23 BV sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y học (PACS) không in phim.

Theo Thông tư số 46/2018/TT-BYT, để đảm bảo tính khả thi, Bộ Y tế xây dựng lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử gồm 2 giai đoạn:

Giai đoạn từ năm 2019-2023: Tất cả các bệnh viện hạng I trở lên phải triển khai bệnh án điện tử (135 BV). Giai đoạn từ năm 2024 -2030: Tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.

Trong thời gian tới, ứng dụng, phát triển CNTT y tế, hình thành hệ thống y tế thông minh với 3 trụ cột chính là: Hệ thống phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe thông minh, Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh và Hệ thống quản trị y tế thông minh sẽ góp phần nâng cao hình ảnh, chất lượng dịch vụ y tế tại Việt Nam, tăng sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ y tế, hướng đến nền y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.

Tiếp nối thành công trên, Cục Công nghệ thông tin tiếp tục tham mưu Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin y tế để tạo đà và hỗ trợ Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, hội nhập, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cuc-cong-nghe-thong-tin-bo-y-te-dat-giai-co-quan-nha-nuoc-chuyen-doi-so-xuat-sac-2020-n181744.html