Cục CSGT: Tài xế uống nước sirô mà vẫn có cồn thì được yêu cầu xét nghiệm máu
Đại diện Cục C08 khẳng định, người dân uống nước hoa quả hay sirô mà bị kiểm tra lên nồng độ cồn, thì có thể đề nghị CSGT cho ngồi chờ khoảng 30 phút để đo lại.
Một số trường hợp trình bày "uống nước sirô vẫn có cồn" để đối phó với CSGT
Thông tin trên được thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông - CSGT) Bộ Công an khẳng định tại tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV, chiều 17/5.
Theo thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, thời gian qua, mạng xã hội lan truyền thông tin về việc có trường hợp tài xế uống nước hoa quả, sirô nhưng khi gặp lực lượng CSGT kiểm tra bằng thiết bị thì vẫn có nồng độ cồn.
Cục C08 khẳng định, trong tình huống đó, người dân nếu cho rằng mình chỉ uống nước hoa quả, sirô thì có thể đề nghị CSGT cho ngồi thêm 10-30 phút rồi uống nước lọc, sau đó kiểm tra lại.
"Người đó cũng có thể yêu cầu lực lượng CSGT cho đi xét nghiệm máu để chứng minh mình không vi phạm", bà Minh nhấn mạnh và nhìn nhận, nếu đúng uống nước hoa quả hay sirô thì trong thời gian ngắn sẽ hết nồng độ cồn.
Trên thực tế, một số trường hợp trình bày như vậy là để đối phó với CSGT khi bị lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý về nồng độ cồn.
Giữ nguyên đề xuất cấm tuyệt đối tài xế lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia
Cũng tại tọa đàm, đại diện Cục C08 tái khẳng định, trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông mới đây, Ban soạn thảo vẫn giữ nguyên đề xuất phương án cấm tuyệt đối tài xế lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia.
Vị đại diện lý giải, văn hóa ẩm thực của Việt Nam có nhiều điểm đặc thù. Hầu hết cuộc vui nào cũng đều sử dụng rượu, bia để mở đầu câu chuyện.
"Khi bắt đầu uống mà nói rằng uống đến chừng này thì dừng lại vì còn lái xe thì rất khó, trong khi uống nhiều sẽ không kiểm soát được hành vi", thượng tá Tạ Thị Hồng Minh ví von.
Theo bà Minh, cơ quan chức năng đã công bố các số liệu cho thấy số vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân do sử dụng rượu bia là rất lớn. Trong đó, số nạn nhân bị chấn thương sọ não ở các vụ tai nạn giao thông do rượu bia gây ra cao hơn nhiều so với người không sử dụng chất này.
Hơn nữa, người sử dụng rượu, bia không chỉ gây họa trong lĩnh vực giao thông, mà có nguy cơ gây ra nhiều hành vi khác như giết người, cố ý gây thương tích...
Cục CSGT khẳng định, việc kiểm soát nồng độ cồn có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Hiện nay, kết quả xử lý nồng độ cồn đang rất hiệu quả, minh chứng là tai nạn giao thông liên quan rượu, bia trong năm 2023 giảm hơn nhiều so với năm 2022.
Đại diện Cục C08 cũng nhìn nhận, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông tại Việt Nam đang kém. Trong khi đó, các cơ quan quản lý chưa có giải pháp hữu hiệu trong việc quản lý giấy phép lái xe, nhất là với những người vi phạm bị tước bằng lái.
"Mỗi năm, cơ quan chức năng tước có thời hạn khoảng 500.000 giấy phép lái xe các loại. Quy trình tước loại giấy tờ này được thực hiện thủ công, nhiều tài xế cố tình không đến lấy lại bằng lái, khiến nhiều giấy phép lái xe bị tồn đọng gây lãng phí nguồn lực.
Do đó, trong quá chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật, Ban soạn thảo tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, đề xuất quy định về điểm trừ của giấy phép lái xe. Đây là hình thức quản lý Nhà nước, không phải quản lý hành chính nên có tính răn đe, cảnh tỉnh đối với mỗi tài xế vi phạm luật.