Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phát huy tốt vai trò tham mưu trong phát triển năng lượng...

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho Bộ Công Thương trong việc thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong Nghị quyết 55-NQ/TW

Tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Đảng ủy Bộ Công Thương, ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, thời gian qua, Cục đã thực hiện tốt công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong việc thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến nǎm 2045.

Theo Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, đơn vị này luôn nhận thức rõ được tầm quan trọng về định hướng chiến lược phát triển nǎng lượng quốc gia, thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ Công Thương và lãnh đạo các cấp, Đảng bộ Cục đã tổ chức quán triệt và nghiêm túc tổ chức xây dựng các kế hoạch thực hiện.

Trong năm 2024, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã đạt được các kết quả đạt đáng ghi nhận. Cụ thể, về công tác phổ biến, tuyên truyền, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, Đảng ủy Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí của Bộ Công Thương tổ chức tốt công tác tuyền truyên, đưa tin về các hoạt động triển khai các nhiệm vụ đã được Nghị quyết số 55-NQ/TW đề ra, chủ động, tích cực nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết, đồng thời bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Đảng để quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bùi Quốc Hùng: "Cục luôn nhận thức rõ được tầm quan trọng về định hướng chiến lược phát triển nǎng lượng quốc gia". Ảnh: Cấn Dũng

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bùi Quốc Hùng: "Cục luôn nhận thức rõ được tầm quan trọng về định hướng chiến lược phát triển nǎng lượng quốc gia". Ảnh: Cấn Dũng

Cục luôn đảm bảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực nǎng lượng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động về việc quán triệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 55-NQ/TW”, ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết.

Về thể chế hóa việc thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW, ông Bùi Quốc Hùng cũng thông tin, đơn vị này đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công Thương góp ý hoặc chủ trì, trình Quốc hội thông qua nhiều chính sách, định hướng về phát triển năng lượng như: Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật; Luật Dầu khí (sửa đổi) số 12/2022/QH15 ngày 14/11/2022; Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 ngày 13/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021; Luật Điện lực (sửa đổi) số 61/2024/QH15 đã chính thức được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 ngày 30/11/2024.

Bên cạnh đó, Cục đã tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, cụ thể hóa các định hướng chiến lược phát triển năng lượng theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW.

Tiếp tục triển khai tích cực, hiệu quả các nội dung được giao

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bùi Quốc Hùng cũng khẳng định, Đảng ủy Cục đã nghiêm túc chấp hành, chủ động và phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW, cũng như các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ Công Thương và các cơ quan cấp trên, quá trình thực hiện luôn chú trọng đảm bảo các quy đjnh về tập trung dân chủ, tiến độ và chất lượng công việc.

Qua đó, Cục đã thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết 55-NQ/TW. Cụ thể: Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2024/NĐ-CP ngày 15/10/2024 quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí thay thế Nghị định số 124/2017/NĐ-CP ngày 15/11/2017; Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 30/11/2024 đã thể chế hóa rõ ràng hơn các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước (trong đó có Nghị quyết số 55-NQ/TW) nhằm giải quyết những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý điện lực, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV về việc tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh minh họa

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV về việc tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh minh họa

Đặc biệt, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV về việc tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã bị tạm dừng từ năm 2016. Việc phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới là cần thiết để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia.

Ngoài ra, trình Chính phủ ban hành Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo để cấp điện cho các hộ dân chưa có điện và cải tạo lưới điện nông thôn hiện có; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt tròi tự sản xuất, tự tiêu; tham mưu trình ban hành các chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả: Chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng và có hiệu quả về kinh tế - xã hội; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi).

Ông Bùi Quốc Hùng khẳng định, trong thời gian tới, Đảng ủy, tập thể lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cùng toàn thể cán bộ công chức, viên chức sẽ tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 55-NQ/TW như: Hoàn thiện thể chế, tiếp tục tham mưu các cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật theo đúng định hướng phát triển của Nghị quyết 55-NQ/TW. Đồng thời, tăng cường hợp quan hệ quốc tế về năng lượng, tiếp tục triển khai tích cực, hiệu quả các nội dung của tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP), tận dụng tối đa hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực, cung cấp tài chính, coi JETP là giải pháp quan trọng cho quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam...

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu tổng quát: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngành năng lượng phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với sản xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.

Ngọc Tiến

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cuc-dien-luc-va-nang-luong-tai-tao-phat-huy-tot-vai-tro-tham-muu-trong-phat-trien-nang-luong-367349.html