Cục diện thị trường bia miền Trung trước khi Heineken tạm dừng nhà máy

Dù chiếm chưa đến 10% thị trường bia cả nước, miền Trung được xem là khu vực nhiều tiềm năng cho ngành bia với sự cạnh tranh của nhiều 'đại gia' hiện diện.

 Miền Trung là thị trường tập trung nhiều nhà máy sản xuất bia lớn trong nước. Ảnh: Nam Khánh.

Miền Trung là thị trường tập trung nhiều nhà máy sản xuất bia lớn trong nước. Ảnh: Nam Khánh.

Một trong 6 nhà máy của Heineken Việt Nam đã phải tạm dừng hoạt động trước tác động kép từ dịch Covid-19 và sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng trong việc triển khai Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Thực tế, việc "ông lớn" ngành bia này tạm dừng một nhà máy tại Việt Nam đã cho thấy sức chống chịu của ngành bia đã chạm ngưỡng sau thời gian dài phải đối diện với các khó khó khăn.

Theo đại diện Heineken, doanh nghiệp đã phải cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra quyết định khó khăn này. Trước đó, thị trường miền Trung là một trong 2 thị trường trọng điểm của Heineken tại Việt Nam khi sở hữu 2 nhà máy bia công suất lớn tại Đà Nẵng và Quảng Nam.

Tập trung nhiều nhà máy bia lớn

Theo nghiên cứu của Euromonitor tại thời điểm năm 2019, miền Trung chỉ chiếm 6% thị trường bia cả nước. Tuy nhiên, đây được xem là khu vực sở hữu nhiều tiềm năng với sự cạnh tranh của nhiều "đại gia" ngành bia.

Chẳng hạn như Carlsberg với thương hiệu bia Huda, Halida; Heineken với thương hiệu Larue; CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) với hãng bia Dung Quất; Sabeco với bia Sài Gòn, bia Quy Nhơn; Habeco với bia Hà Nội; Savabeco với thương hiệu bia Sao Vàng...

Sau khi gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 1993, Carlsberg vẫn là ông lớn nắm vị trí vững chắc ở thị phần bia miền Trung với thương hiệu bình dân bia Huda. Tại thị trường này, Carlsberg sở hữu một nhà máy bia lớn nhất miền Trung được đặt tại Huế, công suất lên đến 360 triệu lít/năm với tổng diện tích gần 11,7 ha.

Đầu năm 2016, Carlsberg khánh thành dây chuyền sản xuất bia lon mới nhập khẩu từ Đức, với tổng vốn đầu tư gần 6,4 triệu euro có công suất 60.000 lon/giờ, tương đương với 50.000 thùng bia loại 24 lon/ngày.

Hiện, hãng bia nổi tiếng Đan Mạch đang ở vị trí thứ 4 tại thị trường Việt Nam với khoảng 8% thị phần. Trước bối cảnh kinh doanh khó khăn, Carlsberg vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, và cho biết sẽ tăng cường đầu tư, tập trung vào các thương hiệu chủ chốt.

Công ty dự kiến mở rộng hoạt động kinh doanh với tham vọng duy trì tăng trưởng sản lượng ở mức một con số bất chấp tình hình suy giảm chung của thị trường.

 Dây chuyền sản xuất bia Huda. Ảnh: Carlsberg.

Dây chuyền sản xuất bia Huda. Ảnh: Carlsberg.

Đối thủ lớn của Carlsberg là Heineken, nhưng "ông lớn" này lại đang dần tỏ ra hụt hơi tại thị trường miền Trung khi vừa quyết định tạm dừng nhà máy bia ở Quảng Nam. Hiện tại miền Trung, Heineken chỉ còn nhà máy tại Đà Nẵng với công suất 500 triệu lít/năm, nổi tiếng với thương hiệu bia Larue.

Với việc đóng cửa nhà máy bia có công suất nhỏ nhất trong 6 nhà máy tại Việt Nam, "đại gia" bia đến từ Hà Lan lý giải rằng doanh nghiệp cần tinh giản hoạt động để tiếp tục đầu tư và phát triển tại thị trường Việt Nam nhằm thích ứng trong tình hình mới.

Doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục tối ưu hóa với ít nhà máy hơn nhưng mở rộng quy mô mỗi nhà máy. Chẳng hạn, hãng dự kiến nâng công suất nhà máy bia lớn nhất Đông Nam Á tại Vũng Tàu thêm 500 triệu lít lên 1,6 tỷ lít/năm, gấp đôi nhà máy tạm đóng cửa ở Quảng Nam.

Cạnh tranh sôi động

Ngoài Carlberg và Heineken, tại miền Trung cũng có sự xuất hiện của 2 "ông lớn" ngành bia trong nước là Sabeco, Habeco. Sabeco hiện diện tại thị trường này thông qua CTCP Bia Sài Gòn - Miền Trung (SMB) với 4 đơn vị thành viên tại các tỉnh Đắk Lắk, Bình Định và Phú Yên.

Trong đó, nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk, có diện tích 20 ha, năng lực sản xuất 120 triệu lít/năm. Chi nhánh tại Quy Nhơn có diện tích 4,5 ha, năng lực sản xuất 60 triệu lít/năm. Chi nhánh tại Phú Yên có diện tích trên 3 ha, năng lực sản xuất 45 triệu lít/năm...

SMB đang sản xuất kinh doanh 2 dòng sản phẩm chính là bia Sài Gòn và các thương hiệu bia địa phương tự doanh (bia Quy Nhơn, bia Lowen, bia tươi) chiếm hơn 95% tổng sản lượng, còn lại là các loại đồ uống khác.

Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh 2023, tổng sản lượng sản xuất, tiêu thụ thực hiện là 166 triệu lít; lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 196 tỷ đồng (gấp 2 lần so với kế hoạch).

Với Habeco, thị trường miền Trung cũng được xem là địa bàn chiến lược của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, công suất các nhà máy bia của Habeco tại miền Trung khá khiêm tốn. Chẳng hạn, nhà máy tại Quảng Trị công suất khoảng 12-15 triệu lít/năm; nhà máy Thanh Hóa công suất 100 triệu lít/năm, nhà máy Nghệ An công suất khoảng 50 triệu lít/năm...

 Thị trường miền Trung được xem là địa bàn chiến lược của Habeco. Ảnh: Nam Khánh.

Thị trường miền Trung được xem là địa bàn chiến lược của Habeco. Ảnh: Nam Khánh.

Ngoài những nhà sản xuất bia lớn kể trên, thị trường miền Trung còn chứng khiến sự xuất hiện của một số thương hiệu bia mới là bia Sao Vàng. Theo đó, bia Sao Vàng là thương hiệu của CTCP Tập đoàn Bia Rượu và Nước giải khát Sao Vàng (Savabeco) thuộc CTCP Tập đoàn Hoành Sơn.

Nhà máy đầu tiên của Savabeco đặt tại tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 1 của nhà máy này đã chính thức hoàn thành và cho xuất xưởng mẻ bia đầu tiên vào tháng 7/2022, với công suất 100 triệu lít/năm.

Ngoài ra, tại miền Trung còn có thương hiệu bia Dung Quất được sản xuất tại Nhà máy Bia Dung Quất (Quảng Ngãi) của CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS). Từ khi thành lập vào năm 1993, nhà máy đã trải qua 10 lần mở rộng và nâng công suất hoạt động.

Từ công suất ban đầu 3 triệu lít bia/năm, đến nay, nhà máy đã mở rộng nâng công suất lên 100 triệu lít bia/năm, với tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng. Sản phẩm đa dạng được tiêu thụ tại thị trường Quảng Ngãi và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và TP.HCM. Bên cạnh đó, Bia Dung Quất còn thành công trong việc hợp tác sản xuất và xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Singapore.

Thanh Thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/cuc-dien-thi-truong-bia-mien-trung-truoc-khi-heineken-tam-dung-nha-may-post1483531.html