Cục ĐTNĐ Việt Nam chú trọng chất lượng, tiến độ xây dựng văn bản pháp luật
Năm 2023, Cục Đường thủy nội địa VN tập trung công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực giao thông đường thủy để đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch.
Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, truyền thông chính sách pháp luật lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và phát triển giao thông ĐTNĐ theo hướng bền vững.
Trong năm 2023, lãnh đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam thường xuyên chỉ đạo sát sao các bộ phận, đơn vị trực thuộc tập trung công tác, nhiệm vụ này với yêu cầu nâng chất lượng, bảo đảm tiến độ xây dựng văn bản quy phạm. Đến nay, hầu hết các dự thảo văn bản quan trọng do Cục ĐTNĐ Việt Nam chủ trì xây dựng đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra và lấy ý kiến rộng rãi các trước khi hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đó, có thể kể đến: Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2019/TT-BGTVT ngày 15/10/2019 quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 quy định về quản lý hoạt động ĐTNĐ; Dự thảo Thông tư phân cấp quản lý cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; Dự thảo Nghị định quy định hoạt động nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa (thay thế Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018); Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 18/2021/TT-BGTVT ngày 14/9/2021 về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa.
Bên cạnh đó, Cục Đường thủy nội địa VN cũng chú trọng chỉ đạo, tập trung triển khai công tác xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và đã hoàn thành các dự thảo: Tiêu chuẩn Luồng đường thủy nội địa – Yêu cầu thiết kế công trình chỉnh trị, Tiêu chuẩn Đánh gia an toàn công trình cảng – bến thủy nội địa… để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Để đưa pháp luật giao thông ĐTNĐ vào cuộc sống, Cục ĐTNĐ Việt Nam chú trọng công tác tập huấn, tuyên truyền cập nhật trực tiếp cho các cơ quan, đơn vị quản lý, Sở GTVT, Ban ATGT địa phương, doanh nghiệp các văn bản pháp luật chuyên ngành giao thông ĐTNĐ đã được ban hành, cũng như nắm bắt tình hình triển khai, áp dụng trong thực tế để kịp thời tổng hợp, đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Gần đây, trong tháng 10/2023, tại TP. Vinh tỉnh Nghệ An, Cục ĐTNĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, truyền thông chính sách văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Cụ thể: Thông tư số 33/2022/TT-BGTVT ngày 12/12/2022 của Bộ GTVT (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2019/TT-BGTVT ngày 15/10/2019) quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương thủy nội địa); Nghị định số 54/2022/NĐ-CP ngày 22/8/2022 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2021) của CP quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/1/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.
Cũng trong tháng 10/2023, tại TP. HCM, Cục ĐTNĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến tuyên truyền Hiệp định Việt Nam - Campuchia về vận tải đường thủy, quán triệtcác nội dung liên quan tại Thông tư số 13/2023/TT-BGTVT ngày 30/6/2023 của Bộ trưởng Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy, góp phần quán triệt, phổ biến rộng rãi các quy định để tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện.