Cục Đường sắt được giao vốn bảo trì thay cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam
Theo quy định mới của Bộ Giao thông Vận tải, việc giao vốn ngân sách để sửa chữa, bảo dưỡng đường sắt được chuyển từ Tổng Công ty Đường sắt sang Cục Đường sắt.
Trước đây để bảo trì đường sắt hàng năm, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giao vốn, sau đó VNR ký hợp đồng, giao việc bảo trì cho một số doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, vốn được Bộ GTVT giao cho Cục Đường sắt, sau đó Cục này được phép đặt hàng với các doanh nghiệp để sửa chữa, bảo trì đường sắt.
Cụ thể, Bộ GTVT vừa ban hành thông tư 03/2021/TT-BGTVT (Thông tư 03) có hiệu lực từ ngày 15/3/2021, quy định về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, áp dụng với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt và bảo trì công trình đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư. Thông tư này thay thế Thông tư 16 nhằm phù hợp với các quy định về thực hiện nhiệm vụ bảo trì theo Nghị định 32/2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Trước đây vốn bảo trì được giao trực tiếp cho VNR và VNR ký hợp đồng với các công ty bảo trì đường sắt thực hiện công tác bảo dưỡng. Tuy nhiên, sau khi VNR chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý, không còn là đơn vị cấp dưới trực tiếp của Bộ GTVT, theo Điều 49 Luật Ngân sách, Bộ GTVT không được giao vốn cho VNR. Mặt khác, theo Nghị định 32, việc thực hiện công tác bảo dưỡng hạ tầng phải bằng hình thức đặt hàng.
Vì vậy, trong Thông tư 03 nêu rõ, đối với đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, căn cứ vào kế hoạch bảo trì được duyệt, Cục Đường sắt Việt Nam đặt hàng với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thực hiện theo hình thức hợp đồng đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. Nội dung đặt hàng gồm: Bảo dưỡng công trình đường sắt; quản lý, giám sát công tác bảo dưỡng công trình đường sắt. Với quy định này, Cục Đường sắt Việt Nam có thể đặt hàng với VNR hoặc đặt hàng trực tiếp các công ty bảo trì đường sắt.
Đối với công tác sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất nằm trong kế hoạch bảo trì được phê duyệt, Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam là chủ đầu tư, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Theo tìm hiểu của PLVN, mỗi năm kinh phí bảo trì đường sắt lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Gần nhất, năm 2020, dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là 2.800 tỷ đồng.