Cục Đường sắt Việt Nam: Chuẩn bị phương án thay cầu đường sắt Long Biên

Theo tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vừa trình bộ này dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Trong tờ trình này, Cục ĐSVN đã nêu phương án thay cầu Long Biên được cho là đã quá yếu.

Cầu Long Biên hiện đã quá yếu, không đủ an toàn cho các tàu đường sắt chạy qua. (Ảnh minh họa).

Cụ thể, trong dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Cục ĐSVN đưa ra phương án không sử dụng cầu Long Biên để kết nối đường sắt quốc gia. Thay vào đó, Cục này nêu kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt vành đai phía Đông Hà Nội theo hướng Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Yên Viên - Bắc Hồng, trong đó có đoạn từ Ngọc Hồi (tuyến phía Nam) đến Lạc Đạo (tuyến phía Đông).

"Việc kết nối giữa hai ga nói trên sẽ có cầu đường sắt mới gần vị trí cầu Thanh Trì, khi hoàn thành tuyến vành đai phía Đông sẽ thay thế toàn bộ đoạn tuyến qua cầu Long Biên hiện có", Cục ĐSVN nêu.

Cục ĐSVN đã đề xuất ưu tiên bố trí vốn để đầu tư xây dựng tuyến vành đai phía Đông trong giai đoạn 2021-2030, với nhu cầu vốn khoảng 8.100 tỷ đồng. Sau khi quy hoạch mạng lưới và đề xuất này được phê duyệt, đến giai đoạn lập quy hoạch chi tiết mới xác định chi tiết vị trí cầu đường sắt mới và lập dự án đầu tư.

Cũng theo nguồn tin trên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cũng cho rằng, hiện nay, cầu Long Biên - Hà Nội đã quá yếu, không thể thực hiện được việc kết nối vận tải. Do đó, yêu cầu đầu tư xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng là cấp thiết.

Mặc dù là cây cầu trọng yếu nhưng hiện nay, cầu Long Biên đang xuống cấp nghiêm trọng. Do tình trạg này, hàng hóa từ tuyến phía Đông đi tuyến phía Nam (Hà Nội - TPHCM) phải đi đường vòng vành đai phía Tây (cầu Thăng Long). Theo đó, hành trình vận chuyển từ Gia Lâm - Yên Viên - Đông Anh - Bắc Hồng - cầu Thăng Long - Hà Đông - Văn Điển và về ga lập tàu là Giáp Bát. Quãng đường đi vòng này khiến hành trình các đoàn tàu phải kéo dài thêm 60km.

Hàng hóa từ tuyến phía Nam ngược ra cũng phải đi theo tuyến đường sắt vành đai phía Tây để lên các tuyến biên giới. Vì vậy, nếu đoàn tàu đi từ Hà Nội tới Lào Cai sẽ xa thêm 40km, còn đi Hà Nội - Lạng Sơn xa thêm 50km.

"Việc các tuyến đường sắt di chuyển theo tuyến vành đai phía Tây sẽ làm tăng chi phí rất lớn, nhưng không còn cách nào khác bởi ở Hà Nội ngoài cầu Long Biên thì chỉ có cầu Thăng Long là cầu đường sắt vượt sông Hồng", VNR đánh giá.

Do đó, theo Tổng công ty này, hiện phát sinh nhu cầu lớn về việc xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng, để kết nối các tuyến đường sắt quốc gia phía Đông, phía Bắc với các tuyến phía Nam, rút ngắn quãng đường và không phải đi qua tuyến đường sắt xuyên tâm Hà Nội.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuc-duong-sat-viet-nam-chuan-bi-phuong-an-thay-cau-duong-sat-long-bien-post138086.html