Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các sân bay thực hiện nghiêm quy trình ứng phó bão số 3

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức trực 24/24 giờ; thực hiện nghiêm quy trình ứng phó bão số 3.

Cục Hàng không Việt Nam vừa phát công điện tới các đơn vị có liên quan trong ngành hàng không khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó bão số 3 (bão WIPHA).

Theo đó, nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho hành khách, phương tiện, tài sản tại các cảng hàng không, sân bay và hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động khai thác bay, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức trực 24/24 giờ; thực hiện nghiêm quy trình ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới trong hoạt động hàng không dân dụng.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn trong vùng ảnh hưởng của bão số 3 chủ trì,phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra hệ thống kết cấu hạ tầng cảng hàng không, hệ thống thông tin liên lạc... để kịp thời phát hiện và xử lý các hư hỏng (nếu có) nhằm bảo đảm an toàn cho các công trình, đài trạm, đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác tại cảng hàng không, sân bay.

Máy bay của hãng hàng không tại Sân bay Nội Bài. (Ảnh: Vietnam+)

Máy bay của hãng hàng không tại Sân bay Nội Bài. (Ảnh: Vietnam+)

Các cảng hàng không triển khai phương án phòng chống mưa, bão, các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy trong cảng hàng không, sân bay, bảo vệ cho các công trình, phương tiện, thiết bị tại cảng hàng không, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra đến mức thấp nhất và nhanh chóng ổn định mọi hoạt động hàng không phục vụ các nhu cầu của hành khách; bố trí trực 24/24h, chủ động cập nhật thông tin khí tượng để kịp thời đề xuất phương án khai thác phù hợp, an toàn; lưu ý sau khi bão suy yếu và đổ bộ vào đất liền có khả năng nguy cơ gây mưa sau bão.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng; liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo tới người dùng.

Các hãng hàng không, các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tăng cường công tác phối hợp; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 để có phương án điều chỉnh kế hoạch bay hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp và đảm bảo an toàn cho hoạt động bay.

Hãng bay cập nhật đầy đủ thông tin khí tượng từ các cơ sở khí tượng hàng không liên quan và căn cứ tình hình thực tế để triển khai các hành động ứng phó cần thiết, giảm thiểu tác động đến khai thác, đảm bảo an toàn hoạt động bay, bảo vệ người và tài sản của đơn vị trước thiên tai.

Hiện nay, mùa mưa bão 2025 đã bắt đầu và có thể ảnh hưởng đến kế hoạch di chuyển của hành khách. Tuy nhiên, ngành Hàng không Việt Nam luôn đặt yếu tố an toàn tuyệt đối cho hành khách và phi hành đoàn lên hàng đầu. Do vậy, lịch khai thác và giờ bay của các hãng hàng không có thể tiếp tục điều chỉnh theo diễn biến của cơn bão số 3.

Đề nghị các địa phương kêu gọi 425 tàu thuyền ở vịnh Bắc Bộ vào nơi trú ẩn

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ 30 ngày 21/7 còn 425 tàu với 1.560 người đang hoạt động khu vực vịnh Bắc Bộ.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có công văn gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển (Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi) khẩn trương kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động tại khu vực vịnh Bắc Bộ vào nơi trú ẩn an toàn.

Dẫn báo cáo của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, công văn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh tính đến 6 giờ 30 ngày 21/7 còn 425 tàu/1.560 người đang hoạt động khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm quần đảo Hoàng Sa).

Cụ thể, Hưng Yên có 1 tàu/10 người; Ninh Bình 137 tàu/284 người; Thanh Hóa 27 tàu/72 người; Nghệ An 173 tàu/675 người; Hà Tĩnh 9 tàu/20 người; Quảng Trị 27 tàu/148 người; Đà Nẵng 12 tàu/77 người; Quảng Ngãi 39 tàu/274 người.

Để đảm bảo an toàn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện kêu gọi, hướng dẫn; có biện pháp cưỡng chế, đưa các tàu thuyền về bờ neo đậu.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên, chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền và thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 20/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

P.V

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/cuc-hang-khong-viet-nam-yeu-cau-cac-san-bay-thuc-hien-nghiem-quy-trinh-ung-pho-bao-so-3_180670.html