Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực: Hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực chứng thực
Trên cơ sở thực tiễn triển khai nhiệm vụ quản lý về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, ngành Tư pháp Tây Ninh gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Về chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, ngành Tư pháp tỉnh gặp khó khăn trong việc đường truyền thực hiện chứng thực bản sao điện tử chưa ổn định; trang thiết bị (máy scan, máy in, máy vi tính) ở một số xã, phường đã xuống cấp, cấu hình không đáp ứng yêu cầu hoặc phải dùng chung; một số lãnh đạo UBND cấp xã chưa được cấp chữ ký số; các hồ sơ chứng thực điện tử chuyển cho công dân không có đường dẫn (link) dẫn đến khó kiểm tra tính chính xác của bản chứng thực sau này…
Về nội dung này, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp trả lời như sau: Ngày 12.4.2023, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã có Công văn số 396/HTQTCT-CT gửi Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ phản ánh về những lỗi kỹ thuật liên quan đến phần mềm, chữ ký số, đường truyền trong việc thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Ngày 18.5.2023, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 200/KSTT-NC trả lời, trong đó ghi nhận các lỗi kỹ thuật phát sinh trên hệ thống phần mềm và sẽ tiếp thu, nghiên cứu hoàn thiện, nâng cấp phần mềm.
Đối với vướng mắc trong chứng thực hợp đồng, giao dịch, ngành Tư pháp tỉnh cho biết, theo khoản 1 Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16.2.2015 quy định thành phần hồ sơ yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch còn đơn giản. Vì vậy, thời gian qua đã có không ít sai phạm liên quan đến công tác chứng thực hợp đồng, giao dịch (đặc biệt là các giao dịch về thừa kế) do người làm công tác chứng thực không yêu cầu công dân cung cấp thêm các giấy tờ khác để làm rõ tính pháp lý của chủ thể, đối tượng, điều kiện của hợp đồng, giao dịch... như giấy chứng nhận kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân, chứng tử…
Trả lời nội dung này, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp cho biết, về nguyên tắc, chứng thực hợp đồng, giao dịch là việc cơ quan có thẩm quyền chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Do đó, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16.2.2015 quy định thành phần hồ sơ yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch đơn giản. Tuy nhiên, khoản 5 Điều 9 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16.2.2015 quy định trong trường hợp cần thiết, người thực hiện chứng thực có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để chứng minh tính hợp pháp của văn bản yêu cầu chứng thực.