'Cục nợ' trái phiếu doanh nghiệp: của tin còn một chút này

Khôi phục niềm tin vào thị trường trái phiếu là bảo vệ kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Qua mạng xã hội, một người tự giới thiệu là nhân viên của Công ty Cổ phần chứng khoán V. kết nối với anh T., chào bán trái phiếu có tài sản bảo đảm. Tổ chức phát hành chứng khoán nợ này là một công ty bất động sản có lãnh đạo góp mặt trong một chương trình truyền hình thực tế gọi vốn cho những công ty khởi nghiệp (start-ups) trên sóng truyền hình nhà nước. Chưa cần nghiên cứu toàn bộ hồ sơ phát hành, chỉ bằng một thao tác đơn giản bằng công cụ tìm kiếm Google, anh T. biết được khối tài sản bảo đảm là bất động sản đang bị tranh chấp. Giao dịch không thành.

Chất lượng tài sản bảo đảm là yếu tố mà bên nhận bảo đảm quan tâm khi sử dụng biện pháp thế chấp. Bước xem xét tiếp theo là công tác định giá tài sản thế chấp. Nếu kết quả định giá tài sản tin cậy, nhưng giá trị tài sản khi đáo hạn thấp hơn thời điểm định giá mà nguyên nhân là do thị trường bất lợi, thì trái chủ có thể cân nhắc về điều kiện giãn nợ, chờ đợi thị trường hồi phục. Tổ chức phát hành (con nợ), cần thể hiện nỗ lực thực hiện nghĩa vụ bằng cách minh bạch thông tin theo yêu cầu của trái chủ (chủ nợ). Lúc này, niềm tin vẫn còn.

Trường hợp biện pháp thế chấp sử dụng tài sản hình thành trong tương lai là bất động sản, hệ thống thông tin xác định giá trị tài sản hình thành trong tương lai là yếu tố trái chủ xem xét thận trọng khi tổ chức phát hành đàm phán giãn nợ. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cảnh báo hiện tượng sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch, tiềm ẩn rủi ro mất cả gốc và lãi của nhà đầu tư. Hành vi này trái với Khoản 2 Điều 5 Nghị định 65/2022/NĐ-CP, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở khía cạnh pháp lý, đồng thời phơi bày rủi ro đạo đức (moral hazard) nhìn từ lăng kính kinh tế học. Thất bại thị trường xảy ra là cơ sở để nhà nước can thiệp.

Trái phiếu là một kênh vay nợ của doanh nghiệp bên cạnh nguồn tín dụng từ ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, việc cấp tín dụng bị pháp luật ràng buộc bởi nhiều yếu tố như tài sản bảo đảm, hạn mức... Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đang nắm giữ khối lượng lớn trái phiếu, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ . Ảnh: Ngọc Phượng

Nghị định 65/2022/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP nêu rõ “doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành” đối với “trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành và còn dư nợ đến thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành” (Điều 3 khoản 3 điểm b). Chừng ba tháng sau khi văn bản quy phạm pháp luật này có hiệu lực, Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Một trong những điểm mới của dự thảo là “cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư”.

Quan điểm của Bộ Tài chính thuận theo ý kiến đề xuất của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), được truyền thông dòng chính dẫn lời đề xuất Chính phủ “gia hạn kỳ hạn trái phiếu thêm một năm nhằm giảm áp lực, tăng niềm tin cho thị trường trái phiếu,…”.

Đề xuất của HoREA giảm bớt áp lực thanh khoản cho tổ chức phát hành trong ngắn hạn. Giảm nghĩa vụ của con nợ trong giao dịch dân sự đã xác lập ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của trái chủ. Những nhà đầu tư suy giảm động cơ cho vay thông qua trái phiếu doanh nghiệp khi biết rằng kỳ hạn có thể bị con nợ đơn phương điều chỉnh. Niềm tin xói mòn có thể khiến thị trường trái phiếu sụp đổ. Trong dài hạn, nhà đầu tư mất một kênh đầu tư. Những doanh nghiệp lành mạnh mất một kênh huy động vốn hoặc phải chịu chi phí vốn cao hơn (lợi suất trái phiếu), suy giảm năng lực cạnh tranh.

Theo HoREA, đến năm 2023-2024, ước khoảng 790.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Câu hỏi đặt ra là khối lượng trái phiếu sử dụng sai mục đích, thiếu minh bạch là bao nhiêu như cảnh báo từ Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Muốn biết, phải xem xét từng trường hợp theo quyết định phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu của cấp có thẩm quyền, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính.

Sàng lọc, phân loại chất lượng trái phiếu ngăn ngừa rủi ro xảy ra một loại thất bại thị trường khác là “người ăn theo” trong trường hợp nhà nước can thiệp mạnh vào kỳ hạn những lô trái phiếu đã phát hành. Ứng xử kiểu cào bằng tiếp tục dung dưỡng rủi ro đạo đức, tự cản trở nỗ lực gầy dựng lại niềm tin thị trường đang rơi vốn đòi hỏi nhiều thời gian. Chính sách công bằng, nhất quán còn giúp giảm bớt rủi ro xảy ra thất bại nhà nước. Khái niệm này mô tả hiện tượng nhà nước sửa chữa thất bại thị trường nhưng lại khiến thất bại thị trường trở nên trầm trọng hơn.

Nhìn lại Điều khoản chuyển tiếp của Nghị định 65/2022/NĐ-CP, tinh thần chung của điều khoản này là “không hồi tố” đối tượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trước khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực. Vậy đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo có khả thi hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào những nhà làm luật.

Thượng Tùng

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/cuc-no-trai-phieu-doanh-nghiep-cua-tin-con-mot-chut-nay-38007.html