Cục Quản lý giá xử phạt 28 doanh nghiệp vi phạm về lĩnh vực giá
Cục Quản lý giá cho biết, năm 2023 đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá đối với 28 doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi triển khai các quy định còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt, cơ quan này gặp khó khi xác nhận hành vi thuê, mượn thẻ thẩm định viên về giá...
Thông tin về công tác xử phạt vi phạm hành chính năm 2023, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết trong năm 2023, căn cứ vào thực tế công tác kiểm tra và công tác theo dõi, giám sát theo chức năng nhiệm vụ, Cục đã lập biên bản vi phạm hành chính theo đúng quy định để gửi Thanh tra Bộ tiến hành ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 28 đơn vị và 01 cá nhân là thẩm định viên về giá đang hành nghề.
Theo đó, cơ quan này thực hiện các công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá theo các quy định tại Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013.
Triển khai các quyết định của Bộ Tài chính ban hành gồm: Quyết định số 450/QĐ-BTC ngày 28/3/2023 về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá; Quyết định số 451/QĐ-BTC ngày 28/3/2023 về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, Quyết định số 452/QĐ-BTC ngày 28/3/2023 về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá trong lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng, Quyết định số 453/QĐ-BTC ngày 28/3/2023 về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá trong lĩnh vực tư liệu sản xuất, Cục Quản lý giá đã triển khai các đoàn kiểm tra tại gần 60 doanh nghiệp.
Qua theo dõi việc chấp hành xử phạt vi phạm hành chính, các đơn vị đã thực hiện nghĩa vụ nộp phạt đúng thời hạn cũng như có các biện pháp để khắc phục vi phạm, sai sót đã mắc phải. Đồng thời, Cục cũng có các hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện các quy định về giá và thẩm định giá đối với tất cả các doanh nghiệp được kiểm tra, qua đó nâng cao tính chất hành pháp luật của các đơn vị.
Trong thời gian từ 15/12/2022 đến 14/12/2023, Cục Quản lý giá phát hiện 28 doanh nghiệp có hành vi vi phạm về lĩnh vực giá, trong đó có 03 doanh nghiệp tái phạm 1 lần, 01 doanh nghiệp tái phạm 02 lần và 24 doanh nghiệp vi phạm lần đầu.
Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính, Cục Quản lý giá đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, Nghị định số 49/2016/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn.
Cục đã lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển biên bản cho Thanh tra Bộ để kịp thời ra quyết định xử phạt theo đúng thẩm quyền. Theo đó, Cục đã chuyển 33 biên bản vi phạm hành chính lên cơ quan thanh tra Bộ.
Tuy nhiên, khi triển khai các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, các cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ vẫn gặp các khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan.
Đại diện Cục Quản lý giá cho rằng một số thiếu sót của đơn vị hiện vẫn chưa được quy định rõ ràng tại các văn bản về xử phạt vi phạm hành chính hoặc một số nội dung rất khó khăn trong việc xác định chính xác bằng chứng về hành vi vi phạm.
"Ví dụ như trong lĩnh vực thẩm định giá, đối với hành vi thuê, mượn thẻ thẩm định viên về giá rất khó để xác nhận do không thể có được các hợp đồng thuê, mượn để chứng minh hành vi… và một số hành vi tương tự khác", đại diện Cục Quản lý giá nêu rõ khó khăn.
Hành vi cho người khác mượn thẻ thẩm định viên về giá là một trong những hành vi bị cấm thực hiện đối với thẩm định viên. Hành vi này sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng, thẩm định viên về giá cho người khác mượn thẻ thẩm định viên còn bị tước có thời hạn từ 50 - 70 ngày và nộp lại khoản tiền thu lợi bất chính (nếu có).
Tuy nhiên, tình trạng cho thuê và mượn thẻ thẩm định viên về giá có xu hướng tăng. Gần đây nhất, trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhiều công ty thẩm định giá tiếp tay nâng khống giá trị tài sản để ngân hàng SCB giải ngân và gây thiệt hại gần 12.000 tỷ đồng cho ngân hàng này. Theo đó, một cá nhân mượn thẻ thẩm định viên để thành lập Công ty TNHH Thẩm định giá Tầm Nhìn Mới và đảm nhận chức vụ giám đốc, đại diện theo pháp luật của công ty này.
Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, công ty mới bắt đầu hoạt động từ tháng 3/2022 nhưng đã ký phát hành các chứng thư, báo cáo thẩm định giá lùi thời gian năm 2020, 2021 và nâng khống giá trị tài sản hợp thức một số hồ sơ vay cho SCB.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Quản lý giá cho rằng một số mức xử phạt còn thấp, chưa đảm bảo tính răn đe, nêu gương. Việc áp dụng các hình thức phạt kết hợp đối với việc vi phạm nhiều lỗi hoặc một vi phạm được quy định ở nhiều văn bản còn chồng chéo trong các quy định về vi phạm hành chính hiện hành.
Do đó, Cục Quản lý giá đưa ra các kiến nghị đối với cấp có thẩm quyền tiếp tục rà soát các quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính chung cũng như trong lĩnh vực giá nói riêng nhằm hoàn thiện các nguyên tắc, căn cứ. Đồng thời làm rõ hơn nội dung, cách thức xác định một số hành vi vi phạm còn có khó khăn trong việc chứng minh.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai sâu sát hơn hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, trong đó, chú trọng việc phát hiện, hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định hiện hành; xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm các quy định trong quản lý giá.
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, trong đó, một số hành vi dự kiến điều chỉnh mức phạt để đảm bảo tính răn đe.
Theo đó, nhóm các hành vi dự kiến điều chỉnh tăng mức phạt tiền so với quy định hiện hành như: một số hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá; nhóm hành vi vi phạm quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp gồm hành vi không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động thẩm định giá và trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp không đúng mức trích lập theo quy định. Cùng đó, hàng loạt nhóm hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực thẩm định giá cũng được Bộ Tài chính đề xuất bổ sung.