Cực quang ảo diệu nhìn từ ngoài vũ trụ
Phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế đã chia sẻ loạt ảnh cực quang xanh huyền ảo xung quanh Trái Đất, ảnh hưởng bởi hiện tượng giải phóng khối lượng của Mặt Trời.
Ngày 18/8, phi hành gia Bob Hines đã chia sẻ những bức ảnh ấn tượng về cực quang trên Trái Đất. Hình ảnh được chụp từ phòng quan sát Cupola trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), cách hành tinh của chúng ta khoảng 408 km. Đây là vị trí lý tưởng để các phi hành gia chụp ảnh Trái Đất.
Cực quang là hiện tượng quang học phổ biến, xảy ra khi các hạt điện tích của bão Mặt Trời va chạm với bầu khí quyển Trái Đất, tạo ra các dải ánh sáng kỳ ảo. Các dải sáng liên tục chuyển động và thay đổi màu sắc, mang đến hình ảnh ấn tượng cho người quan sát.
Theo Digital Trends, các phi hành gia trên ISS thường xuyên nhìn thấy cực quang. Năm 2021, phi hành gia Thomas Pesquet người Pháp đã chia sẻ loạt ảnh cực quang ấn tượng trong 6 tháng làm việc trên ISS.
Hiện tượng này cũng có thể quan sát từ bề mặt Trái Đất, những vị trí lý tưởng nằm gần cực Bắc gồm Alaska, Canada, Iceland, Greenland, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan.
Các khu vực phía bên kia bán cầu như Tasmania và New Zealand cũng có thể quan sát tốt cực quang. Ảnh chụp tại Vương quốc Anh vào sáng sớm 19/8 cho thấy những dải sáng cực quang xanh, ảnh hưởng từ vụ phun trào khối lượng nhật hoa (CME).
Trên Twitter, cựu phi hành gia Mike Fossum nhận xét loạt ảnh cực quang của Hines "tuyệt vời". Ông còn nêu kinh nghiệm quay phim, chụp ảnh trên tàu vũ trụ sao cho đẹp hơn.
Hines tiết lộ loạt ảnh cực quang là một phần trong dự án mặt đất của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), tạo ra video tua nhanh (time-lapse) về cực quang khi nhìn từ ISS.
Từ khi lên ISS vào tháng 4, Hines thường xuyên cập nhật thông tin về cuộc sống, công việc của anh trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Vào tháng 5, phi hành gia này đã chia sẻ video dạo quanh tàu vũ trụ Boeing Starliner sau khi cập bến ISS.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/anh-cuc-quang-ao-dieu-cua-trai-dat-post1347327.html