Cục Thuế Bình Định: Thu ngân sách quý I/2023 đạt hơn 2.213 tỷ đồng
Theo Cục Thuế Bình Định, tính đến 31/3/2023, thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn đạt 2.213,8 tỷ đồng, đạt 17,6% dự toán. Nếu loại trừ 3 khoản thu từ tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận được chia và xổ số kiến thiết thu được 1.780,5 tỷ đồng, đạt 25,7% dự toán, giảm 2,1% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 873 tỷ đồng, đạt 32,9% dự toán, tăng 1,6% so với cùng kỳ.
8/17 khoản thu, sắc thuế đạt khá
Theo Cục Thuế Bình Định, so với dự toán, có 8/17 khoản thu, sắc thuế đạt khá (từ 25%) như: Thu cố định tại xã đạt 54,5%, thuế thu nhập cá nhân đạt 49,2%, khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 33%, thu từ xổ số kiến thiết đạt 32,7%, khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 32,9%, phí lệ phí đạt 31,3%, khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 27,4%, thu khác ngân sách đạt 26,1%.
Có 9/17 khoản thu, sắc thuế chưa đạt tiến độ thu bình quân, trong đó: Lệ phí trước bạ đạt 21,6%, khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương đạt 20,6%, thuế bảo vệ môi trường đạt 10,6%, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 10,5%...
So với cùng kỳ, có 8/17 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu, một số khoản thu có tăng trưởng như: thu tại xã 414,9%, khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 185,8%, thuế thu nhập cá nhân 144,9%...
Theo Cục Thuế Bình Định, một số khoản giảm do yếu tố khách quan góp phần gây sụt giảm tổng thu đáng kể như: Thuế bảo vệ môi trường do chính sách tài khóa (giảm 147,6 tỷ đồng); lệ phí trước bạ (giảm 13,1 tỷ đồng, chủ yếu từ trước bạ nhà đất); tiền thuê đất, thuê mặt nước (giảm 49,3 tỷ đồng, chủ yếu từ thu một lần cho cả thời gian thuê); tiền sử dụng đất giảm 1.509,1 tỷ đồng.
Cục Thuế Bình Định nhận định, do tác động từ thị trường bất động sản, ảnh hưởng tới việc bán đấu giá quỹ đất công khiến nguồn thu từ sử dụng đất bị sụt giảm đã ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách trong quý 1/2023. Tuy nhiên, số thu ngoài quốc doanh vẫn đảm bảo, bởi đây là thời điểm doanh nghiệp, người nộp thuế tập trung quyết toán thuế của năm trước nên số thu ngân sách thường tăng cao trong quý này.
Tập trung hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp
Năm 2023, dự toán tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý trên địa bàn tỉnh Bình Định được Bộ Tài chính giao là 10.629 tỷ đồng; tổng thu trừ tiền sử dụng đất là 7.059 tỷ đồng, trong đó khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh là 2.650 tỷ đồng.
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao trong năm 2023, Cục Thuế Bình Định xác định tiếp tục là “điểm tựa” cho doanh nghiệp, người dân vượt khó. Do đó, đơn vị đã, đang và sẽ tích cực triển khai kịp thời các chính sách thuế, các gói hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ tới tận tay đối tượng thụ hưởng; xử lý hoàn thuế nhanh chóng, đúng quy định để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cục Thuế Bình Định sẽ nắm chắc nguồn thu, bám sát địa bàn, đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023. Theo đó, đơn vị đặc biệt lưu ý đến các nguồn thu còn dư địa, khai thác chưa hiệu quả.
Trong đó, Cục thuế Bình Định lưu ý các nguồn thu từ: thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp sau quyết toán năm 2022, thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý I/2023 và số thuế gia hạn còn nợ; thu từ Báo cáo tài chính, hồ sơ khai thuế và ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là ứng dụng Quản lý hóa đơn điện tử: tập trung phân tích tại trụ sở cơ quan thuế để cảnh báo người nộp thuế rà soát, khai điều chỉnh và nộp bổ sung; trước mắt tập trung các doanh nghiệp thuộc kế hoạch kiểm tra thuế.
Cục Thuế Bình Định tập trung khai thác nguồn thu phát sinh thường xuyên từ thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt…: thường xuyên rà soát tờ khai của doanh nghiệp, đối chiếu với dữ liệu của các ứng dụng hỗ trợ như: hóa đơn điện tử, khai thác nguồn thu... để cảnh báo doanh nghiệp rà soát, điều chỉnh kịp thời.
Bên cạnh việc triển khai các giải pháp nhằm tăng thu NSNN, Cục Thuế Bình Định luôn xác định đồng hành cùng doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn. Theo đó, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ, cảnh báo, công khai và đối thoại với doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tăng cường công khai, cảnh báo theo ngành, lĩnh vực hoặc theo các dạng sai phạm thường gặp trong kê khai thuế, sử dụng hóa đơn... trên cổng giao tiếp điện tử và đến từng doanh nghiệp.
Ngoài ra, Cục Thuế Bình Định sẽ tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp gửi vướng mắc lên cổng giao tiếp điện tử để cơ quan thuế giải quyết trực tuyến; theo dõi, bám sát, triển khai kịp thời các gói hỗ trợ sắp đến cho người nộp thuế thụ hưởng tối đa theo quy định./.
Thúc đẩy tiến trình số hóa công tác quản lý thuế
Trong thời gian tới, lãnh đạo Cục thuế Bình Định yêu cầu các phòng chức năng, chi cục thuế trên địa bàn rà soát toàn bộ dữ liệu công khai ra toàn xã hội và công khai trong nội nội ngành. Theo đó, các đơn vị điều chỉnh, bổ sung các dữ liệu công khai đảm bảo vừa tăng cường tính minh bạch của cơ quan thuế, vừa phù hợp với quy định hiện hành.
Về triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, các đơn vị tiếp tục rà soát các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc các ngành: trung tâm thương mại, siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống, nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi giải trí; kinh doanh vàng bạc đá quý; các cửa hàng kinh doanh theo chuỗi… báo cáo về Trung tâm Hóa đơn điện tử của cục thuế để tổng hợp, xây dựng kế hoạch triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh.
Triển khai eTax Mobile, đơn vị tập trung sơ kết đánh giá, làm rõ nguyên nhân và tìm giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn”; nỗ lực triển khai đến 100% hộ kinh doanh sử dụng ứng dụng để tra cứu nghĩa vụ thuế và nộp thuế điện tử trong quý II/2023.