Cục Thuế Nghệ An áp dụng hóa đơn điện tử đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Nghệ An hiện có 149 doanh nghiệp kinh doanh vàng. Trước yêu cầu quản lý mới, Cục Thuế tỉnh Nghệ An tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vàng.

Áp dụng hóa đơn điện tử khi giao dịch mua, bán vàng

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế tại các văn bản: Công điện số 1426 của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng; Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 05/02/2024, Công điện số 23 của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/3/2024 về việc tăng cường biện pháp quản lý thị trường vàng; Công điện số 01 ngày 14/5/2024 của Bộ Tài chính; Công văn số 2162 ngày 22/5/2024 của Tổng cục Thuế về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chế tác vàng, bạc, đá quý.

Đặc biệt, tại Thông báo số 160 ngày 11/4/2024 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh việc cương quyết phải có hóa đơn điện tử khi thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, công khai, minh bạch và xử lý thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa. Nguồn CSCC

Ảnh minh họa. Nguồn CSCC

Trước sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, ngày 20/5/2024, Cục Thuế tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Công văn số 2746 về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng, theo đó, khẩn trương triển khai một số giải pháp:

Một là, thực hiện rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng. Trên cơ sở đó, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế để thực hiện kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế, trường hợp phát hiện rủi ro thì thực hiện chuyển thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế theo quy định. Kiểm tra thuế thông qua phương thức giao dịch điện tử giữa cơ quan thuế và người nộp thuế.

Hai là, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng hóa đơn theo đúng quy định và hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, trong đó chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành quy định áp dụng hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp, cửa hàng, địa điểm kinh doanh vàng; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quản lý thị trường kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các vi phạm về thuế, hóa đơn; chuyển ngay hồ sơ sang Cơ quan Công an xử lý vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Ba là, tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý và thông qua công tác quản lý thuế kịp thời phát hiện các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh có phát sinh mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý nhưng không kê khai thuế, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với giá vốn, doanh thu kê khai thuế GTGT.

Biến động giá vàng xảy ra khá thường xuyên. Ảnh: T.P

Biến động giá vàng xảy ra khá thường xuyên. Ảnh: T.P

Đặc biệt, Cục Thuế tỉnh Nghệ An chú trọng đẩy nhanh tiến trình áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, đá quý. Đây là một giải pháp hiệu quả áp dụng riêng cho lĩnh vực bán lẻ trực tiếp người tiêu dùng, trong đó, tích cực triển khai áp dụng tại các cửa hàng, cơ sở kinh doanh vàng bạc, đá quý nhằm khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ thông qua chương trình hóa đơn may mắn của ngành Thuế. Qua đó, tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người mua, giúp cơ quan thuế kiểm soát được tình trạng ẩn thuế, lậu thuế của các doanh nghiệp kinh doanh vàng và là cơ sở để cơ quan thuế xác định mức thuế thu nhập đối với cá nhân đầu tư vàng minh bạch, công bằng.

Các quy định của pháp luật thuế có liên quan

Về phương pháp kê khai thuế: Căn cứ Khoản 3, Khoản 4 Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, cơ sở kinh doanh có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng hoạt động này để nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên thuế giá trị gia tăng (mẫu 03/GTGT).

Về sử dụng hóa đơn: Theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC, từ ngày 1/7/2022, hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh, trong đó, bao gồm cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh vàng, bạc, đá quý.

Từ ngày 15/12/2022, ngành Thuế đã chính thức triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử một cách nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm, đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực bán lẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 cũng quy định rõ khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua.

Tuy nhiên, trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng bạc, đá quý trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Đại đa số người dân khi mua vàng chưa có thói quen lấy hóa đơn, hình thức thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, dẫn đến khó kiểm soát giao dịch, khó quản lý doanh thu thực tế…

Trân Châu

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/cuc-thue-nghe-an-ap-dung-hoa-don-dien-tu-doi-voi-cac-doanh-nghiep-kinh-doanh-vang-10273805.html