Cục Thuế Ninh Bình thu nội địa 6 tháng đạt trên 52% dự toán
Thông tin từ Cục Thuế Ninh Bình cho hay, lũy kế 6 tháng đầu năm toàn đơn vị thu ngân sách nhà nước ước đạt 7.521,1 tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Trong đó: thu từ thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách ước đạt 6.773,9 tỷ đồng, bằng 51,2% dự toán, bằng 99,3% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất ước đạt 747,2 tỷ đồng, bằng 74,7% dự toán, tăng 107,8% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng
Ông Đinh Nam Thắng – Cục trưởng Cục Thuế Ninh Bình, đánh giá, 6 tháng đầu năm, toàn đơn vị thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế trong nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng đan xen những thuận lợi và khó khăn. Trong bối cảnh đó, Cục Thuế Ninh Bình đã triển khai thực hiện tốt các chức năng quản lý thuế, quyết liệt thực hiện các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, đồng thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức và cá nhân kinh doanh để ổn định sản xuất, kinh doanh.
Bộ phận một cửa Cục Thuế Ninh Bình tiếp nhận xử lý hồ sơ khai thuế của người nộp thuế. Ảnh: CT
Nhờ được tháo gỡ khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn đã dần phục hồi, nhiều khu vực doanh nghiệp có số nộp ngân sách tăng trưởng khá. Điển hình như: Thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương ước đạt 72,1% dự toán, bằng 127,5% so với cùng kỳ; thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 79,5% dự toán, bằng 128,6% so với cùng kỳ; thu khác ngân sách ước đạt 53,3% dự toán, bằng 84,3% so với cùng kỳ...
Tuy nhiên, vẫn còn một số khoản thu, khu vực thu chưa đạt tiến độ, trong đó, chỉ tiêu thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 214,3 tỷ đồng, đạt 47,6% dự toán, bằng 56,7% so với cùng kỳ; thu lệ phí trước bạ ước đạt 159,6 tỷ đồng, đạt 48,4% dự toán, bằng 91,8% so với cùng kỳ...
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến số thu các chỉ tiêu trên chưa đạt tiến độ là do việc áp dụng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với các loại xăng dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của UBTVQH và tình trạng thiếu linh kiện, đặc biệt là các chíp điện tử của doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô đóng trên địa bàn, dẫn đến tình trạng khan hàng, không có xe để bán, khiến doanh thu và số thuế nộp ngân sách sụt giảm.
Mặc dù còn đối diện nhiều khó khăn thách thức, song Cục trưởng Cục Thuế Ninh Bình Đinh Nam Thắng cho rằng, động lực tạo nên kết quả thu ngân sách tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2022 là nền kinh tế từng bước phục hồi và có những chuyển biến tích cực; cộng đồng doanh nghiệp đã và đang lấy lại đà sản xuất kinh doanh tăng trưởng, qua đó tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước, đây là điều đáng mừng nhất.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế
Ông Đinh Nam Thắng cho biết thêm, ngoài việc thu kịp thời các nguồn thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước, Cục Thuế Ninh Bình thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thường xuyên như: tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế thực hiện tốt pháp luật thuế; thanh tra - kiểm tra đảm bảo tiến độ; đôn đốc doanh nghiệp kê khai nộp thuế đúng thời hạn; thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ và xử lý nợ thuế…
Đề cập đến nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm, ông Đinh Nam Thắng cho hay, dưới tác động chung của bối cảnh kinh tế - chính trị toàn cầu và những ảnh hưởng rủi ro vẫn còn tiềm ẩn của dịch bệnh, các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong tỉnh còn nhiều khó khăn, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chưa cao, việc thực hiện các chính sách gia hạn, giảm thuế,… được dự báo sẽ ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Trước khó khăn thách thức được xác định, Cục Thuế Ninh Bình cho biết, sẽ thực hiện nghiêm các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách năm 2022 của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển để tạo điều kiện thuận lợi thu hút tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển nhanh, bền vững, trong đó tập trung vào các dự án lớn, có ưu thế về tăng trưởng kinh tế và nguồn thu lâu dài cho ngân sách.
Cùng với đó, cục thuế cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành trong công tác tổ chức thu ngân sách nhà nước; nắm bắt, chia sẻ và tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho người nộp thuế phát triển sản xuất kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Đồng thời, rà soát các nguồn thu, phân tích những yếu tố ảnh hưởng tác động đến tăng, giảm nguồn thu có tính khoa học, chính xác; có giải pháp quản lý và thu thuế sát với thực tế phát sinh trên địa bàn, đảm bảo nguồn thu từ thuế, phí nội địa có tốc độ tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng thu ngân sách.
Thực hiện quyết liệt các biện pháp thu nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế theo quy định như tổ chức rà soát, phân loại nợ, theo dõi, giám sát chặt chẽ các khoản nợ để kịp thời đôn đốc vào ngân sách nhà nước, nhất là các khoản nợ liên quan đến đất đai của các dự án do chính quyền địa phương quản lý.
Tăng cường chống thất thu ngân sách, tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp rủi ro cao về thuế, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá; kiểm soát chặt chẽ tình hình kê khai, nộp thuế gắn với việc phát hành, sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp để kịp thời phát hiện các trường hợp khai sai, khai thiếu số thuế phải nộp vào ngân sách, cũng như các trường hợp sử dụng bất hợp pháp hóa đơn để gian lận, trốn thuế thuế.../.