Cục Thuế Thái Nguyên quyết liệt thực hiện thu hồi nợ thuế
Năm 2024, Cục Thuế Thái Nguyên thu ngân sách nhà nước vượt dự toán được giao 27%. Kết quả này có được không chỉ đến từ những nỗ lực chung của toàn đơn vị mà còn nhờ các biện pháp quyết liệt trong công tác thu hồi nợ thuế, đặc biệt là nợ đọng từ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất – lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu của Tỉnh.
Cục Thuế Thái Nguyên cho biết, những năm gần đây, nguồn thu từ đất đai chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Thái Nguyên, dao động từ 26% đến 30%. Nhiều dự án khu dân cư và đô thị triển khai tại địa phương đã đóng góp hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách.
Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn vừa qua, với tiến độ dự án bị chậm, nguồn vốn vay bị hạn chế, thanh khoản giảm và giao dịch nhà đất sụt giảm sâu. Những thách thức này khiến nhiều doanh nghiệp không thực hiện được đầy đủ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai, dẫn đến số nợ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất tăng mạnh, có thời điểm lên tới gần 800 tỷ đồng, chiếm trên 40% tổng số nợ thuế toàn tỉnh.
Nhận thức rõ tình hình, Cục Thuế Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch thu hồi nợ thuế với trọng tâm là các khoản nợ liên quan đến đất đai. UBND Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Tại các huyện, thành phố, các tổ công tác tương ứng cũng được thành lập để triển khai đồng bộ. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục Thuế, các sở, ngành và chính quyền địa phương, công tác thu hồi nợ đã được thực hiện hiệu quả.
Năm 2024, Cục Thuế Thái Nguyên thu ngân sách đạt 17.350 tỷ đồng, bằng 127% dự toán Bộ Tài chính giao, 18/18 chỉ tiêu thu đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán được giao.
Cục Thuế cũng thường xuyên báo cáo Tỉnh ủy và UBND Tỉnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ, qua đó nhận được sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời từ lãnh đạo tỉnh. Nhiều cuộc họp trực tiếp giữa lãnh đạo UBND Tỉnh với các sở, ngành và doanh nghiệp đã được tổ chức nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong chính sách và thủ tục.
Bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan chức năng, Cục Thuế Thái Nguyên cũng đẩy mạnh các biện pháp cưỡng chế đối với những trường hợp cố tình chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Các biện pháp như tạm ngừng sử dụng hóa đơn, tạm hoãn xuất cảnh đối với đại diện pháp luật của doanh nghiệp hoặc áp dụng các hình thức cưỡng chế phù hợp với từng trường hợp cụ thể đã mang lại hiệu quả đáng kể.
Để nâng cao ý thức tuân thủ của các doanh nghiệp, Cục Thuế đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại trực tiếp với những đơn vị có khoản nợ lớn liên quan đến tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Tại các hội nghị này, đại diện pháp luật của các doanh nghiệp được yêu cầu tham dự để nắm rõ các biện pháp sẽ áp dụng nếu không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Đồng thời, Cục Thuế cũng giải đáp những vướng mắc liên quan đến chính sách thuế, qua đó nhận được sự đánh giá cao từ phía doanh nghiệp.
Nhờ các biện pháp quyết liệt, ước đến hết năm 2024, Cục Thuế Thái Nguyên đã thu hồi được trên 800 tỷ đồng tiền thuế nợ từ cuối năm 2023 chuyển sang, trong đó có 500 tỷ đồng đến từ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Tổng nợ thuế, phí tại thời điểm cuối năm dự kiến chỉ chiếm 2% tổng thu ngân sách nhà nước, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 5% do Tổng cục Thuế giao.
Nhằm đảm bảo tính bền vững trong công tác thu ngân sách, Cục Thuế Thái Nguyên đã đề xuất Tổng cục Thuế và Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét phương án xử lý các khoản nợ vướng mắc liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Đây là những khoản nợ tồn tại nhiều năm, phát sinh từ các mỏ chưa khai thác hoặc gặp khó khăn về trữ lượng, khiến doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế.
Cục Thuế cũng kiến nghị bổ sung quy định cho phép phân loại các khoản nợ vướng mắc này là "nợ đang xử lý" để không phải thực hiện cưỡng chế thuế trong thời gian chờ giải quyết.